Trách nhiệm của đoàn viên công đoàn trong Luật Công đoàn 2012 (đang có hiệu lực) được quy định tại Điều 19. Theo đó, trách nhiệm của đoàn viên công đoàn hiện nay gồm: Chấp hành và thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nghị quyết của Công đoàn; tham gia các hoạt động công đoàn, xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh; học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp; rèn luyện phẩm chất giai cấp công nhân; sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đoàn viên công đoàn có trách nhiệm đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, lao động có hiệu quả và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và tổ chức Công đoàn.
Trong khi đó, Luật Công đoàn 2024 (có hiệu lực từ ngày 1.7.2025) đã bổ sung trách nhiệm của đoàn viên công đoàn, trong đó đáng chú ý là trách nhiệm tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
Điều 22 của Luật Công đoàn 2024 quy định về trách nhiệm của đoàn viên công đoàn như sau: Chấp hành và thực hiện Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nghị quyết, các quy định của Công đoàn; tham gia hoạt động công đoàn, xây dựng Công đoàn vững mạnh; học tập nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, tác phong làm việc; rèn luyện phẩm chất giai cấp công nhân; sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật.
Đoàn viên công đoàn còn có trách nhiệm đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp trong lao động và trong cuộc sống; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động và tổ chức Công đoàn; tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
Theo giải thích từ ngữ của Bộ luật Lao động 2019, quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động, người sử dụng lao động, các tổ chức đại diện của các bên, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Quan hệ lao động bao gồm quan hệ lao động cá nhân và quan hệ lao động tập thể.
Bộ luật Lao động 2019 quy định về xây dựng quan hệ lao động như sau: Quan hệ lao động được xác lập qua đối thoại, thương lượng, thỏa thuận theo nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, bình đẳng, hợp tác, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của nhau.
Người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và người lao động, tổ chức đại diện người lao động xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định với sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Công đoàn tham gia cùng với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định; giám sát việc thi hành quy định của pháp luật về lao động; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động...
https://laodong.vn/cong-doan/bo-sung-trach-nhiem-cua-doan-vien-cong-doan-tu-ngay-172025-1508899.ldo