Trang chủTin tứcCông đoàn 24/7Hoạt động công đoàn
Hoạt động công đoàn
Cập nhật lúc 12:12 17/07/2025 (GMT+7)
Chuyện những công nhân giữ dòng điện sáng giữa đại ngàn Sơn La

Sơn La - Giữa không gian hùng vĩ của Nhà máy Thủy điện Sơn La, hàng trăm công nhân, kỹ sư vẫn ngày ngày vận hành an toàn, mang dòng điện về mọi miền đất nước.

Nhà máy Thủy điện Sơn La, công trình thủy điện lớn nhất Đông Nam Á, với công suất 2.400 MW, mỗi năm cung cấp trên 8 tỉ kWh điện cho hệ thống điện quốc gia. Từ khi chính thức đi vào vận hành năm 2012, nhà máy trở thành điểm tựa an ninh năng lượng cho cả nước, đồng thời giúp điều tiết lũ, phát triển kinh tế vùng Tây Bắc.

Phía sau dòng điện ấy là hàng trăm con người đang âm thầm làm việc, ngày đêm gắn bó với công trình này. Hiện nay, Công ty Thủy điện Sơn La có gần 350 cán bộ, kỹ sư, công nhân. Trong đó, hơn 70% là người từ các tỉnh đồng bằng lên công tác lâu dài, xa gia đình. Họ sống tập trung tại khu ký túc xá cạnh nhà máy. Mỗi ngày, những người không ở ký túc cũng phải đi về bằng xe đưa đón xuyên qua những cung đường đồi núi sau mỗi buổi tan ca.

Nhà máy thủy điện Sơn La. Ảnh: Trường Sơn
Nhà máy thủy điện Sơn La. Ảnh: Trường Sơn

“Công việc đặc thù là làm theo ca kíp, vận hành 24/24. Anh em chia làm 3 ca, 4 kíp, mỗi ca 8 tiếng, không có ngày nghỉ, kể cả lễ Tết” - anh Vũ Đức Lượng, Trưởng ca vận hành Trung tâm điều khiển chia sẻ.

Trong phòng điều khiển trung tâm, các kỹ sư, công nhân tập trung cao độ, theo dõi hàng trăm thông số vận hành qua hệ thống màn hình hiện đại. “Chỉ cần một sai sót nhỏ về kỹ thuật cũng có thể gây sự cố lớn, ảnh hưởng đến hệ thống điện quốc gia. Nên công việc này không được phép có tâm lý chủ quan, dù là những thao tác quen thuộc nhất” - anh Lượng nói.

Ngoài ca trực điều khiển, các đội sửa chữa, bảo trì cũng luôn thường trực. Anh Nguyễn Văn Tám, công nhân bảo trì cơ khí cho biết: “Bảo trì tổ máy, kiểm tra tua-bin, van nước, hay hệ thống điện đều là công việc đòi hỏi cẩn trọng tuyệt đối. Nhất là khi nhà máy vận hành gần 15 năm, mỗi linh kiện dù nhỏ cũng phải được kiểm soát kỹ”.

Công nhân Nhà máy thủy điện Sơn La trực vận hành phát điện. Ảnh: Trường Sơn
Công nhân Nhà máy thủy điện Sơn La trực vận hành phát điện. Ảnh: Trường Sơn

Những người trẻ đang giữ trọng trách lớn trên công trình thủy điện cũng là lực lượng nòng cốt trong đổi mới sáng tạo. Mỗi năm có hàng chục sáng kiến cải tiến kỹ thuật được áp dụng vào thực tế, nhiều sáng kiến được EVN công nhận.

Kỹ sư Nguyễn Mạnh Cường - Trưởng ca vận hành - là một trong những gương mặt tiêu biểu được anh em gọi là chàng kỹ sư điện "3 đảm đang" tại Nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á. Anh đã có 6 sáng kiến được áp dụng, từng đạt giải Nhất hội thi sáng tạo kỹ thuật cấp tỉnh Lai Châu năm 2022. Dù công việc áp lực, anh vẫn nỗ lực cân bằng giữa công việc và gia đình.

“Con gái đầu lòng của tôi không may bị bệnh bẩm sinh. Khó khăn, nhưng tôi luôn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và cũng dành thời gian chăm lo cho gia đình” - anh Cường chia sẻ.

Kỹ sư, công nhân kiểm tra tổ máy H2 tại Nhà máy thủy điện Sơn La. Ảnh: Trường Sơn
Kỹ sư, công nhân kiểm tra tổ máy H2 tại Nhà máy thủy điện Sơn La. Ảnh: Trường Sơn

Không chỉ là câu chuyện vận hành thiết bị, những người công nhân, kỹ sư ở đây còn mang theo nhiều kỷ niệm khó quên. Anh Đặng Quang Trung, công nhân vận hành, nhớ mãi lần được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi bác đến thăm nhà máy năm 2014. “Bác rất gần gũi, giản dị. Những lời động viên của bác là động lực để chúng tôi nỗ lực đến hôm nay” - anh Trung nói.

“Làm việc ở đây vất vả là điều không tránh khỏi, nhưng bù lại, mình được cống hiến, được làm nghề với đúng đam mê. Nhìn thấy dòng điện sáng lên khắp nơi là thấy mọi mệt nhọc đều xứng đáng” - anh Nguyễn Thế Văn, kíp viên chính tại gian máy, chia sẻ.

Công nhân, kỹ sư bảo trì, sửa chữa tổ máy phát điện H1. Ảnh: Trường Sơn
Công nhân, kỹ sư bảo trì, sửa chữa tổ máy phát điện H1. Ảnh: Trường Sơn

Kỷ luật lao động ở đây gần như quân đội, các ca kíp phải luôn trong trạng thái sẵn sàng, tập trung cao độ. Các quy trình an toàn được siết chặt đến từng thao tác, đảm bảo dòng điện ổn định.

“Từ khi nhà máy vận hành, chưa từng xảy ra tai nạn lao động hay cháy nổ nào. An toàn là ưu tiên số một” - ông Khương Thế Anh, Giám đốc Công ty Thủy điện Sơn La nhấn mạnh.

Kỹ sư theo dõi hộp tự động của các tổ máy phát điện. Ảnh: Trường Sơn

Kỹ sư theo dõi hộp tự động của các tổ máy phát điện. Ảnh: Trường Sơn

 

Đằng sau sự vận hành ổn định của Nhà máy Thủy điện Sơn La là một đội ngũ ngày đêm thầm lặng, gắn bó, dốc sức giữ an toàn cho từng tổ máy, từng đường truyền tải. Giữa đại ngàn Tây Bắc, họ là những người giữ cho dòng điện luôn tỏa sáng, mang theo khát vọng cống hiến không ngừng nghỉ.

https://laodong.vn/cong-doan/chuyen-nhung-cong-nhan-giu-dong-dien-sang-giua-dai-ngan-son-la-1540758.ldo

Trường Sơn (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: