Trang chủTin tứcCông đoàn 24/7Hoạt động công đoàn
Hoạt động công đoàn
Cập nhật lúc 07:54 18/05/2024 (GMT+7)
CUỘC THI BÚT KÝ, PHÓNG SỰ VỀ CÔNG NHÂN, CÔNG ĐOÀN VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG HÀ TĨNH: Vị bác sĩ lan tỏa, truyền cảm hứng sáng tạo vì bệnh nhân

Sáng tạo “Xe lăn cải tiến phục vụ bệnh nhân nặng đi làm cận lâm sàng tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh” của bác sĩ Nguyễn Thanh Hà và điều dưỡng Lê Xuân Quảng sau khi được vinh danh tại Hội thi sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16, được Sách vàng Sáng tạo Việt Nam 2023 ghi nhận, đã truyền cảm hứng sáng tạo cho đông đảo y bác sĩ, nhân viên y tế và cộng đồng.

Vị bác sĩ lan tỏa, truyền cảm hứng sáng tạo vì bệnh nhân
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà (hàng sau, thứ 6 từ trái sang) tại Lễ Tổng kết, trao giải Hội thi sáng tạo KHKT toàn quốc lần thứ 16. Ảnh: Anh Tuấn

Sáng tạo vì lợi ích bệnh nhân

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh), bác sĩ chuyên khoa 1 Nguyễn Thanh Hà và cử nhân điều dưỡng Lê Xuân Quảng đã có hơn 20 năm gắn bó trong cùng đơn vị. Anh em không chỉ chia sẻ vui buồn với nhau trong nghề nghiệp mà cả trong cuộc sống…

“Nghề y, lấy cái tâm làm đầu. Cho nên dù khó khăn vất vả đến đâu, anh em chúng tôi cũng nỗ lực vượt qua, tất cả vì bệnh nhân, để người bệnh có kết quả tốt nhất khi họ đã gửi gắm niềm tin vào bệnh viện, vào đội ngũ y bác sĩ” – bác sĩ Hà tâm sự.

Sản phẩm xe lăn cải tiến của bác sĩ Hà và điều dưỡng Quảng. Ảnh: Lê Văn Vỵ
Sản phẩm xe lăn cải tiến của bác sĩ Hà và điều dưỡng Quảng. Ảnh: Lê Văn Vỵ

Từ thực tiễn di chuyển bệnh nhân từ khoa khám bệnh, điều trị đến các khoa cận lâm sàng xét nghiệm, chụp chiếu, siêu âm, bác sĩ Hà nhận thấy sử dụng xe lăn tay cũ chưa cải tiến gây ra một số khó khăn, bất tiện và thiếu an toàn cho bệnh nhân và nhân viên điều dưỡng, hộ lý.

Từ đó, người bác sĩ này đã nảy ra ý tưởng cải tiến xe lăn cầm tay truyền thống thành phương tiện đa năng để giải quyết những khó khăn, bất tiện của xe lăn đơn năng.

Xe lăn tay cũ, chưa cải tiến phải cần đến 2 người phục vụ. Ảnh: Anh Tuấn
Xe lăn tay cũ, chưa cải tiến phải cần đến 2 người phục vụ. Ảnh: Anh Tuấn

Tại các bệnh viện tuyến tỉnh hay Trung ương đã có hệ thống máy móc hiện đại đồng bộ như chụp X quang, siêu âm tại giường bệnh, tuyến huyện trong đó có Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ chưa có trang bị hiện đại đó.

“Có những bệnh nhân nặng đang phải dùng bình ôxy, hay trực tiếp theo dõi 24/24, việc di chuyển những trường hợp như vậy phải cần đến 2 xe, một chở bệnh nhân, 1 chở bình ôxy. Đã thế hành lang bệnh viện hẹp, có khi vướng dây, phức tạp vô cùng, khiến tôi nảy sinh ra ý tưởng cải tiến xe lăn tay để hỗ trợ tốt nhất cho bệnh nhân”, bác sĩ Nguyễn Thanh Hà trao đổi.

Phóng viên hỏi: “Từ ý tưởng đến quá trình cải tiến thành sản phẩm đem vào ứng dụng trải qua thời gian bao lâu?”. Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà cho biết: “Thật ra, đề tài không có lý luận gì phức tạp, là một hướng tiếp cận mới nhằm giải quyết vấn đề phát sinh từ thực tiễn, nên mục đích, nhiệm vụ, giải pháp đều rất rõ. Hiệu quả của giải pháp có thể kiểm nghiệm ngay tại đơn vị và thời gian thực hiện không quá dài”.

Với mong muốn có ngay ứng dụng đem lại lợi ích cho bệnh nhân, bác sĩ Hà lập tức bắt tay vào công việc. Tranh thủ những ngày nghỉ, giờ nghỉ tại nhà, bác sĩ Hà tập trung nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm các phương án cải tiến thiết bị.

“Phương án xe lăn cải tiến phải đa năng, ngoài chở bệnh nhân còn có thể cấp cứu tại chỗ, tránh được rủi ro cho bệnh nhân. Muốn vậy, trên xe lăn cầm tay vốn có, thiết kế lắp ráp thêm bộ phận chở bình ôxy, bóp bóng Ambu, túi đựng thuốc cấp cứu…

Bình ôxy có trọng lượng 5kg, đường kính 20cm, cao 96cm, bố trí ở điểm nào trên xe để tiện lợi, an toàn là điều cần phải cân nhắc” – bác sĩ Hà chia sẻ.

Xe lăn tay sau cải tiến tiện lợi, thích hợp, an toàn, tiết kiệm. Ảnh: Anh Tuấn
Xe lăn tay sau cải tiến tiện lợi, thích hợp, an toàn, tiết kiệm. Ảnh: Anh Tuấn

Trong quá trình thiết kế, bác sĩ Hà liên tục trao đổi với điều dưỡng Quảng để tranh thủ ý kiến đồng nghiệp và kịp thời tinh chỉnh các chi tiết bất cập. Sau khi tính toán, lựa chọn phương án, bác sĩ Hà hợp đồng với cơ sở gia công inox thi công theo thiết kế.

Sau thời gian ba tháng thiết kế, sản xuất, thử nghiệm, sản phẩm xe lăn đa năng do bác sĩ Hà sáng chế ra đời. Đây là giải pháp thông minh vừa tiện lợi, vừa đa năng, vừa an toàn. Xe lăn cải tiến sau khi sử dụng gấp gọn, tiện lợi, dễ bảo quản. Được biết, chi phí cho mỗi xe lăn cải tiến như vậy từ vật liệu đến tiền công chỉ có 150 ngàn đồng.

Sau khi hoàn thành xe lăn cải tiến, nhóm tác giả Nguyễn Thanh Hà và Lê Xuân Quảng báo cáo với Hội đồng khoa học cơ quan nghiệm thu, đưa vào sử dụng, thay thế xe lăn cầm tay cũ.

Lan tỏa những điều tốt đẹp

Qua sử dụng sản phẩm mới từ sáng tạo của bác sĩ Hà, điều dưỡng Nguyễn Thị Ngân - Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đức Thọ khẳng định: “Từ khi có xe lăn cải tiến, giải pháp vận chuyển bệnh nhân của chúng tôi vừa an toàn, tiện lợi. Điều quan trọng không chỉ tiết kiệm được thời gian, tiền bạc, mà quan trọng nhất là an toàn cho người bệnh”.

Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà tại Lễ vinh danh Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2023. Ảnh: Anh Tuấn
Bác sĩ Nguyễn Thanh Hà tại Lễ vinh danh Sách vàng sáng tạo Việt Nam năm 2023. Ảnh: Anh Tuấn

Giải pháp “Xe lăn cải tiến phục vụ bệnh nhân nặng đi làm cận lâm sàng tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh” của 2 tác giả Nguyễn Thanh Hà và Lê Xuân Quảng đã được Sở Y tế Hà Tĩnh công nhận đề tài sáng kiến cấp cơ sở; đoạt giải trong Hội thi Sáng tạo Khoa học Kỹ thuật Hà Tĩnh lần thứ 11; đoạt giải Khuyến khích Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16 (năm 2020 - 2021) do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối kết hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức.

Ngày 6.12.2023, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Thường trực Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam, Bộ KHCN tổ chức Lễ công bố Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023 trên các lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Khoa học ứng dụng, Khoa học học xã hội và nhân văn…

Giấy chứng nhận sản phẩm được công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam. Ảnh: Anh Tuấn
Giấy chứng nhận công trình được công bố trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam. Ảnh: Anh Tuấn

Trong số 199 hồ sơ công trình, giải pháp sáng tạo khoa học - công nghệ do 43 Bộ, tỉnh thành gửi về, sản phẩm “Xe lăn cải tiến phục vụ bệnh nhân nặng đi làm cận lâm sàng tại Khoa nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh” thuộc lĩnh vực Y - Dược của bác sĩ Nguyễn Thanh Hà và điều dưỡng Lê Xuân Quảng là 1/79 công trình, giải pháp tiêu biểu được Hội đồng tuyển chọn vinh danh trong Sách vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2023.

Niềm vui nối tiếp niềm vui, nhóm tác giả liên tục nhận được Giấy khen, Bằng khen từ đơn vị, Công đoàn, các ban ngành từ địa phương đến Trung ương, và được Liên đoàn Lao động tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo.

“Chúng tôi đánh giá cao kết quả sáng tạo của bác sĩ Nguyễn Thanh Hà và điều dưỡng Lê Xuân Quảng không chỉ ở giải pháp mà ở hướng đi, ở việc truyền cảm hứng cho cán bộ, y bác sĩ, nhân viên trong bệnh viện…

Đây là kết quả đúng đắn, phối kết hợp giữa chuyên môn và Công đoàn đưa Nghị quyết 02 của Bộ Chính trị “Đổi mới hoạt động của Công đoàn trong tình hình mới” đến tận từng đoàn viên và tổ chức Công đoàn cơ sở, nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, tinh thần thi đua yêu nước, lao động sáng tạo. Mọi người trên bất cứ cương vị, nhiệm vụ nào cũng đổi mới sáng tạo từ những việc hàng ngày nhằm giải quyết những vấn đề của đơn vị một cách hiệu quả” – bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Nguyễn Đình Thiện - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ chia sẻ.

Từ thành công giải pháp “Xe lăn cải tiến phục vụ bệnh nhân nặng đi làm cận lâm sàng”, bác sĩ Nguyễn Thanh Hà thêm động lực để tiếp tục say mê lao động, sáng tạo.

Chủ nhật vừa qua, trên đường về Hương Sơn, tôi ghé thăm bác sĩ Hà tại nhà riêng ở thị trấn Đức Thọ. Bất chấp nắng nóng, bác sĩ Hà vẫn miệt mài với ý tưởng mới: “Ứng dụng phần mềm không dây vào công tác điều trị và chăm sóc bệnh nhân”. Tôi biết, trái tim bác sĩ đang tràn ngập cảm hứng nên lắng nghe bác sĩ trình bày ý tưởng.

Bác sĩ Hà cho biết, vừa qua, nhiều đồng nghiệp ở các huyện, tỉnh bạn, kể cả tuyến Trung ương hỏi về giải pháp “Xe lăn cải tiến phục vụ bệnh nhân nặng đi làm cận lâm sàng”, anh đều sẵn sàng chia sẻ thiết kế và nguyên lý hoạt động.

Tôi hỏi: “Sao bác sĩ không giữ bản quyền, không tìm một doanh nghiệp nào đầu tư sản xuất để bán ra thị trường?”. Bác sĩ Hà chân thành chia sẻ: “Có niềm vui nào hơn là giải pháp của mình không nằm trên giấy mà đi vào thực tiễn, mang lại hạnh phúc cho người bệnh. Tôi sẵn sàng chia sẻ sản phẩm của mình và mong muốn các đồng nghiệp cùng sáng tạo và chia sẻ ý tưởng, sản phẩm để ngày càng nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh”.

https://laodong.vn/cong-doan/vi-bac-si-lan-toa-truyen-cam-hung-sang-tao-vi-benh-nhan-1341181.ldo

LÊ VĂN VỴ (báo lao động)

 
In
Về đầu
Lượt truy cập: