Doanh nghiệp khó khăn, xu hướng cắt giảm lao động tăng
Bình Dương - Do không tìm kiếm được đơn hàng mới, một số doanh nghiệp ở Bình Dương buộc phải thu hẹp sản xuất. Những tháng gần đây, doanh nghiệp có xu hướng phải cắt giảm lao động và tình hình cũng chưa khả quan trong thời gian tới.
Xu hướng thu hẹp sản xuất, cắt giảm lao động
Tại Bình Dương, đầu năm 2023, đa số các doanh nghiệp ngành xuất khẩu chịu nhiều ảnh hưởng, một số doanh nghiệp sau thời gian khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng đã không thể tiếp tục duy trì việc làm cho người lao động phải sắp xếp cho người lao động giảm giờ làm, nghỉ luân phiên hoặc thậm chí cắt giảm lao động.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Bình Dương cho hay, theo thống kê sơ bộ tính đến những tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh có hơn 36.300 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương. Ngoài ra, trong quý I/2023 có 18.200 người lao động kết thúc hợp đồng lao động không tìm được việc làm mới phải nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp. Số liệu này tăng 7,3 % so với cùng kỳ năm 2022.
Theo ghi nhận đầu năm 2023, một số doanh nghiệp khối ngành gỗ, may mặc tại Bình Dương tiếp tục gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng. Các đơn hàng giảm khiến các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất và cắt giảm lao động.
Thậm chí, có trường hợp doanh nghiệp phải thông báo đóng cửa toàn bộ nhà máy. Ví dụ trường hợp của Công ty TNHH S.F Việt Nam (doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc tại phường Thuận Giao, thành phố Thuận An) đã thông báo đóng phải đóng cửa toàn bộ nhà máy kể từ ngày 20.6.2023.
Doanh nghiệp này cho biết, do tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước khó khăn, công ty không có đơn hàng trong một thời gian dài. Công ty không có khả năng duy trì kinh phí để tiếp tục hoạt động, vì vậy, buộc phải ngừng hoạt động toàn bộ nhà máy. Đồng nghĩa với việc 190 lao động sẽ phải kết thúc hợp đồng làm việc tại doanh nghiệp này.
Theo đánh giá, tình hình khó khăn chung hiện nay vẫn chưa khả quan hơn. Do đó, những doanh nghiệp chưa tìm được đơn hàng mới, tiếp tục buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm lao động.
Nhiều giải pháp hỗ trợ người lao động
Theo ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Bình Dương, để ổn định tình hình lao động, trong thời gian qua, sở đã triển khai nhiều giải pháp. Sở phối hợp với các cơ quan đơn vị, hướng dẫn người lao động và doanh nghiệp đảm bảo thực hiện đúng quy định pháp luật về lương thưởng. Kịp thời nắm bắt các vụ việc phát sinh về quan hệ lao động, hạn chế tối đa các vụ tranh cấp lao động gần đây.
Sở cũng chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Việc làm tăng cường trong công tác tiếp nhận hồ sơ giải quyết chế độ hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động kịp thời. Hỗ trợ đào tạo thêm kỹ năng, tay nghề cho những lao động thất nghiệp.
Bên cạnh đó, thực hiện nhiều hoạt động, kênh thông tin và các sàn giao dịch để đẩy mạnh kết nối giới thiệu việc làm cho người lao động. Trong thời gian gần đây, Trung tâm Dịch vụ Việc làm tỉnh Bình Dương đã tư vấn giới thiệu việc làm cho 21.000 người lao động, trong đó có hơn 7.400 người tìm được việc làm qua giới thiệu.
Về phía Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương, đơn vị cho biết đang đẩy mạnh triển khai chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng việc làm theo Quyết định số 6696/QĐ-TLĐ do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành. Đến ngày 23.5 đã phê duyệt hồ sơ hỗ trợ cho trên 22.600 lao động bị giảm việc làm với tổng số tiền hỗ trợ là 34,5 tỉ đồng. Liên đoàn Lao động tỉnh đang tập trung chăm lo cho đối tượng khó khăn trong Tháng Công nhân.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Thời gian gần đây, phía UBND tỉnh Bình Dương cũng tổ chức nhiều cuộc tiếp xúc để gặp gỡ doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tỉnh lắng nghe và chia sẻ những khó khăn doanh nghiệp đang gặp phải. Đối với các vướng mắc, tỉnh chỉ đạo các ngành đơn vị tháo gỡ cho doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, tỉnh đề nghị Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất vay, giãn nợ để doanh nghiệp duy trì dòng vốn đầu tư sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động.
https://laodong.vn/cong-doan/doanh-nghiep-kho-khan-xu-huong-cat-giam-lao-dong-tang-1198174.ldo
ĐÌNH TRỌNG (báo lao động)