Từ bỏ học đại học để đi xuất khẩu lao động
Mặc dù trúng tuyển vào một trường đại học tại Hà Nội, tuy nhiên anh Tô Bá Huy (trú tại xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, Ninh Bình) lại quyết định từ bỏ con đường học đại học để đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản.
Anh Huy cho biết, năm 2019, anh tốt nghiệp THPT và được xét tuyển vào một trường đại học tại Hà Nội, tuy nhiên anh đã từ bỏ để tìm kiếm cơ hội đi xuất khẩu lao động.
“Sau một thời gian tìm hiểu, tôi đã bàn với gia đình và quyết định đăng ký đi làm việc có thời hạn ở tại Nhật Bản. Những năm làm việc bên xứ người, tôi tích cóp được số vốn kha khá, không những vậy, tôi cũng đã gặp được người phụ nữ của cuộc đời mình. Kết thúc thời hạn làm việc theo hợp đồng, chúng tôi về nước, tổ chức lễ cưới và bắt đầu khởi nghiệp bằng số vốn tích lũy được” - anh Huy chia sẻ.
Tương tự, anh Nguyễn Văn Tuấn (xã Tân Thành, huyện Kim Sơn, Ninh Bình), học xong lớp 12, anh Tuấn vẫn thi tốt nghiệp THPT nhưng không xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học mà anh lựa chọn đi học nghề cơ khí với ấp ủ giấc mơ được đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài.
“Vừa học nghề tôi vừa lên mạng tìm hiểu các thông liên quan đến việc tuyển dụng lao động đi làm việc tại nước ngoài. Tháng 9.2023, tôi đã nộp hồ sơ và ký hợp đồng đi làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc. Hiện nay tôi đã hoàn thành xong việc học tiếng và đang chờ làm các thủ tục để bay vào tháng 8 tới đây” - anh Tuấn chia sẻ.
Xuất khẩu lao động, cơ hội việc làm cho thu nhập cao
Lao động tại tỉnh Ninh Bình tham gia vào thị trường lao động Hàn Quốc từ năm 2005. Đến nay, đã có hàng nghìn lao động đã và đang làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc, trong đó có nhiều lao động đi xuất khẩu theo chương trình EPS.
Tính riêng 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh Ninh Bình đã đưa trên 1.000 lao động đi xuất khẩu, trong đó có trên 500 lao động tham gia vào thị trường Hàn Quốc.
Ông Lã Thanh Tùng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh - cho biết: Chương trình EPS luôn là một trong những kênh xuất khẩu lao động hiệu quả của tỉnh Ninh Bình. Sở dĩ người lao động quan tâm tới chương trình này bởi chi phí thấp, cơ hội tuyển dụng lớn, thu nhập cao từ 40-60 triệu đồng/người/tháng. Đặc biệt, khi tham gia vào chương trình EPS, người lao động được bảo vệ và thụ hưởng các chế độ như lao động Hàn Quốc.
Tuy vậy, để tham gia vào chương trình này, người lao động phải trải qua kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Hàn do phía Hàn Quốc phối hợp với Việt Nam tổ chức. Sau khi đạt yêu cầu 2 vòng thi, người lao động sẽ tiến hành khám sức khỏe và làm hồ sơ dự tuyển để giới thiệu với chủ sử dụng lao động Hàn Quốc. Chủ sử dụng lao động Hàn Quốc lựa chọn ký hợp đồng, người lao động mới làm thủ tục đi làm việc tại Hàn Quốc. Những năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tích cực tuyên truyền, phổ biến thông tin, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động trong tỉnh tiếp cận được với cơ hội việc làm từ chương trình EPS.
Không chỉ khai thác tốt thị trường truyền thống, ở một số thị trường mới tại châu Âu như: Đức, Bulgaria, Rumani… cũng có nhiều cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam nói chung, lao động tỉnh Ninh Bình nói riêng. Các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động cũng đã nhanh chóng tiếp cận, tìm kiếm cơ hội từ các thị trường này.
“Một số thị trường có nhu cầu tuyển dụng các nhóm ngành nghề mới mà Việt Nam nói chung, tỉnh Ninh Bình nói riêng có khả năng đáp ứng tốt, có nhu cầu đưa đi như: Điều dưỡng, hộ lý và lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao, tạo ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động khi lựa chọn phương án đi làm việc ở nước ngoài…” - ông Tùng cho hay.
https://laodong.vn/cong-doan/xuat-khau-lao-dong-co-hoi-viec-lam-cho-thu-nhap-cao-1369619.ldo