Trang chủChuyên đềTuyên truyền giáo dục - thi đua khen thưởngHọc tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Cập nhật lúc 01:39 19/05/2021 (GMT+7)
Học tập và làm theo phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác công đoàn*

Hơn 90 năm qua, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ nam, ánh sáng soi đường cho tổ chức công đoàn Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc ta.

Ngay trong cuốn Đường kách mệnh, cuốn giáo trình huấn luyện cán bộ đầu tiên của Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói đến sứ mệnh quan trọng của tổ chức công hội: trước hết, là để công nhân đi lại với nhau cho có cảm tình; hai là, để nghiên cứu với nhau; ba là, để sửa sang cách sinh hoạt của công nhân cho khá hơn bây giờ; bốn là, để giữ gìn quyền lợi cho công nhân; và năm là, để giúp cho quốc dân, giúp cho thế giới.[1]

Vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định, công đoàn chính là khâu nối liền Đảng với đội ngũ công nhân, với hàng triệu quần chúng nhân dân trong sự nghiệp cách mạng. Công đoàn có nhiệm vụ tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng; làm cho công nhân hiểu rằng, không có sự lãnh đạo của Đảng thì không làm cách mạng thành công được[2]; liên lạc mật thiết giữa công nhân và người lao động với Chính phủ; bảo vệ, giữ gìn quyền lợi vật chất, tinh thần, sức khỏe và an toàn lao động cho công nhân; tổ chức, đoàn kết, giáo dục để công nhân hiểu lao động là vinh quang, tôn trọng kỷ luật lao động, nâng cao nhiệt tình, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm để không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa…Công đoàn là “trường học quản lý nhà nước, quản lý kinh tế và văn hóa của giai cấp công nhân”[3] và “trường học của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”[4].

Người nêu rõ, ở nước ta, “lực lượng chủ chốt xây dựng chủ nghĩa xã hội là công nhân”[5] nên các tổ chức của công nhân phải được xây dựng một cách khoa học, vững mạnh; để có hệ thống tổ chức công đoàn vững mạnh, nhất định phải có đội ngũ cán bộ công đoàn tốt, bởi “cán bộ tốt, công nhân cũng tốt; cán bộ không tốt sẽ ảnh hưởng xấu đến công nhân”[6].

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổ chức công đoàn và cán bộ công đoàn các cấp luôn cần quan tâm sâu sắc 5 vấn đề lớn thể hiện tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người về công tác công đoàn và phong trào công nhân.  Trước hết, để trở thành người tổ chức các hoạt động của công nhân và người lao động, cán bộ công đoàn không những phải “giỏi về chính trị mà còn phải thạo về kinh tế”; “phải thực sự lao động” và gần gũi công nhân, “cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, cùng bàn bạc với công nhân”[7]. Có như thế mới có thể biết được công nhân muốn gì, nghĩ gì, lo gì?...Phải lắng nghe sáng kiến và lời phê bình của công nhân, phải thực sự dựa vào công nhân, đi đúng đường lối quần chúng, nắm vững chính sách của Đảng.[8]

Trong công tác tuyên truyền, giáo dục phải nhẹ nhàng, có ích, nếu không chỉ làm cho công nhân mệt mỏi, có hại cho sản xuất. Việc “ra chỉ thị, nghị quyết đều phải vì lợi ích chung của quần chúng, tìm hiểu trình độ tiếp thu của quần chúng để biết kết quả thực tế mà uốn nắn sửa chữa. Bất cứ làm gì cũng đều phải chuẩn bị cho tốt, có kế hoạch làm cho thiết thực”[9]. Công đoàn sinh hoạt phải thường xuyên, thiết thực, hoạt bát và vui vẻ; thường xuyên cải tiến lề lối làm việc, cần đi sát quần chúng, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, cần bớt giấy tờ, hội họp lu bù.[10]

Cán bộ công đoàn phải tùy khả năng mà cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của công nhân, vì đời sống vật chất và văn hóa có khá thì làm việc mới tốt.[11] Quan tâm chăm nom đến chỗ ăn, ở, chỗ làm việc của công nhân, gia đình, con cái của anh chị em công nhân. Theo Người, “công nhân sản xuất tốt hay xấu, có đoàn kết hăng hái sản xuất hay không, đó là tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá công đoàn mạnh, cán bộ công đoàn tốt hay không”[12].

Hoạt động công đoàn cần hướng mạnh về cơ sở; lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy công nhân, viên chức, lao động làm đối tượng vận động; lấy chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ; lấy góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội làm mục tiêu hoạt động. Phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở, để công đoàn thực sự là chỗ dựa gần gũi, vững chắc của công nhân, có sức hấp dẫn đối với người lao động.

Công đoàn là một bộ phận của hệ thống chính trị nên tổ chức, hoạt động của Công đoàn phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Công đoàn phải giúp công nhân vào Đảng; giúp bảo vệ, phê bình và phát triển Đảng. Đảng mạnh tức là dân mạnh, công nhân mạnh; dân mạnh, công nhân mạnh thì Đảng mạnh; dân mạnh, công nhân mạnh, Đảng mạnh thì chúng ta nhất định thắng lợi.[13]

Hơn 90 năm qua, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn là kim chỉ nam, ánh sáng soi đường cho tổ chức công đoàn Việt Nam vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của dân tộc ta. Công đoàn đã có nhiều đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng của đất nước trong mỗi thời kỳ; luôn gắn bó máu thịt với giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đồng hành với dân tộc và với Đảng.[14]

Hiện nay. Các cấp công đoàn đang tích cực, chủ động sát cánh, đồng hành với doanh nghiệp, với Đảng, Nhà nước và toàn hệ thống chính trị thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh Covid – 19, vừa duy trì sản xuất, phát triển kinh tế và chăm lo, bảo vệ sức khỏe, việc làm, thu nhập và đời sống tốt hơn cho đoàn viên, người lao động.

(*)Trích phát biểu của đồng chí Ngô Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tại Tọa đàm: Cán bộ công đoàn học và làm theo phong cách Hồ Chí Minh do Tổng liên đoàn lao động Việt Nam tổ chức tháng 5.2020

 



[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.330

[2] Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 477.

[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 420.

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 539.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 679.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 10, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 538.

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 634.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 128.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 15, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 684.

[10] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 434.

[11] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 119.

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 120.

[13] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 11, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr 117.

[14] Xem thêm Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ XII ngày 25-9-2018.

 

In
Về đầu
Lượt truy cập: