Trang chủCông nhân 360Lao động năm châu
Lao động năm châu
Cập nhật lúc 10:37 12/09/2020 (GMT+7)
Tập hợp NLĐ Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng tại nước ngoài: Mô hình tổ chức nào phù hợp?

Mô hình “Hội công nhân Việt Nam” nhằm tập hợp người lao động (NLĐ) Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng ở nước ngoài đã được đề xuất thông qua Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Tổng Liên đoàn.

Người lao động đi xuất khẩu lao động trở về tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Ảnh chụp trước thời điểm tháng 1.2020. Ảnh: Hải Nguyễn

Người lao động đi xuất khẩu lao động trở về tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Ảnh chụp trước thời điểm tháng 1.2020. Ảnh: Hải Nguyễn

Bức xúc của NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng

Theo kết quả điều tra, khảo sát về tiền lương của NLĐ làm việc ở nước ngoài, có 13,2% NLĐ được dưới 15 triệu đồng/tháng, từ 15-20 triệu đồng/tháng chiếm 21,5%. Những NLĐ có tiền lương được từ 26-30 triệu đồng/tháng chiếm 35,1%, còn trên 30 triệu đồng/tháng chiếm 21,5%. Tuy nhiên, NLĐ phải trả chi phí rất lớn cho thủ tục, lệ phí… Ngoài ra, NLĐ được một số khoản phúc lợi khác như tiền làm thêm giờ, tiền thưởng; rất ít NLĐ được hưởng tiền độc hại.

Chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài còn thấp, chủ yếu là lao động phổ thông chiếm tỉ lệ từ 60-70%. Công tác lựa chọn lao động chưa bảo đảm, trong khi đào tạo tay nghề, ngoại ngữ và đào tạo định hướng còn hạn chế, khó tham gia thị trường của các nước có yêu cầu chất lượng cao. Chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm hợp đồng của NLĐ chưa phát huy hiệu quả trên thực tế, thiếu cơ chế để bảo đảm thực hiện.

Khảo sát cũng cho thấy, nhiều NLĐ làm việc ở nước ngoài bức xúc về tiền lương, thưởng trả không công khai, công bằng, đặc biệt là không đúng với hợp đồng lao động. Bên cạnh đó, còn một số tồn tại vi phạm như bị phân biệt đối xử so với NLĐ nước khác, bị quấy rối tình dục, bị chửi mắng, đánh đập, NLĐ gặp phải khó khăn “rào cản ngôn ngữ”, khó khăn về lối sống, văn hóa, gặp khó khăn bị doanh nghiệp giữ hộ chiếu…

Đề xuất mô hình “Hội công nhân Việt Nam ở nước ngoài”

Các mô hình tập hợp NLĐ Việt Nam làm việc ở nước ngoài gồm: Cử đại diện CĐ đặt tại đại sứ quán ở các nước có đông lao động Việt Nam; Hợp tác với Công đoàn các nước tiếp nhận lao động thông qua ký kết các Biên bản ghi nhớ để hỗ trợ lao động Việt Nam trong thời gian làm việc ở nước ngoài; Lựa chọn nhóm công nhân nòng cốt và xây dựng mạng lưới NLĐ đi làm việc ở nước ngoài tham gia CĐ tại nước tiếp nhận; Kết nạp NLĐ vào Công đoàn Việt Nam, thông qua Biên bản ghi nhớ để tổ chức CĐ nước tiếp nhận hỗ trợ; Xây dựng lực lượng lao động nòng cốt để thành lập Hội công nhân Việt Nam hoạt động ở nước ngoài.

Trong đó, mô hình Xây dựng lực lượng lao động nòng cốt để thành lập Hội công nhân Việt Nam hoạt động ở nước ngoài được đề xuất thực hiện nhằm tập hợp NLĐ làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để chăm lo, bảo vệ NLĐ Việt Nam. Theo đó, Hội công nhân Việt Nam là tổ chức đại diện cho tiếng nói, quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của cộng đồng NLĐ Việt Nam ở nước ngoài; Nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tư vấn, trợ giúp pháp lý, trợ giúp NLĐ các thủ tục hành chính, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, làm cầu nối giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với các bên liên quan và NLĐ nhằm giải quyết các vấn đề có liên quan đến chế độ, chính sách. Hội đặt dưới sự chỉ đạo Đảng uỷ ngoài nước và Đại sứ quán Việt Nam tại nước ngoài, hoạt động theo điều lệ Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài…

Chiều 11.9, TS Vũ Anh Đức - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐVN, Trưởng ban Tổ chức Tổng Liên đoàn - đã làm Chủ tịch Hội đồng đánh giá, nghiệm thu đề tài cấp Tổng LĐLĐVN “Mô hình tổ chức tập hợp người lao động Việt Nam đi làm việc theo hợp đồng tại nước ngoài” do ThS Nguyễn Tuấn Anh - Phó trưởng Ban Đối ngoại Tổng Liên đoàn làm chủ nhiệm.

Mục tiêu của đề tài là nghiên cứu cơ sở lý luận và pháp lý về tổ chức tập hợp NLĐ Việt Nam làm việc tại nước ngoài, tìm hiểu và đánh giá thực trạng đời sống, việc làm và nhu cầu tập hợp NLĐ Việt Nam làm việc tại nước ngoài hiện nay; trên cơ sở đó đề xuất mô hình tập hợp NLĐ Việt Nam làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng lao động.

Quy mô khảo sát là 500 phiếu (300 NLĐ chuẩn bị đi làm việc ở nước ngoài và 200 NLĐ đã làm việc nước ngoài trở về) tại 5 tỉnh, thành phố có đông lao động làm việc ở nước ngoài.

In
Về đầu
Lượt truy cập: