Công đoàn các KCN-CX Hà Nội hỗ trợ, chứng kiến CĐCS Công ty TNHH ENKEI ký kết TƯLĐTT. Ảnh: Công đoàn cơ sở
Lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ
Trao đổi về thực tế thương lượng để ký kết thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT), ông Nguyễn Đình Thắng phân tích: Mục đích của hoạt động sản xuất kinh doanh là nhằm tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp; mà Lợi nhuận = Doanh thu - Chi phí (do đó doanh nghiệp luôn tìm cách tối giảm chi phí). Trong thương lượng, hai bên cùng thắng thì mới bền, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững.
Kinh nghiệm quý báu mà ông Thắng có được từ thời gian ông trực tiếp đối thoại, thương lượng để ký TƯLĐTT ở những nơi chưa thành lập CĐCS theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2012 là giải quyết bài toán làm thế nào để mức tăng năng suất lao động cao hơn mức tăng chi phí.
Ông Thắng giải thích, đây chính là cách làm cho “chiếc bánh lợi nhuận” của doanh nghiệp to lên để cùng hưởng nhiều hơn.
Khi ấy, trong quá làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp, ông Thắng thường trao đổi nếu lãnh đạo doanh nghiệp tăng lương cho NLĐ thì đó là tạo động lực cho NLĐ tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, bù đắp phần tăng của chỉ số giá tiêu dùng CPI, đồng thời chia sẻ khó khăn với NLĐ, giữ NLĐ gắn bó với DN. Có nghĩa giữ NLĐ bằng cơ chế chính sách… Còn phương án tiết kiệm bằng cách tối giảm chi phí mà doanh nghiệp áp dụng chưa phải là tối ưu vì năng suất lao động thấp, chất lượng sản phẩm thấp, NLĐ chuyển doanh nghiệp khác có mức lương và chế độ đãi ngộ tốt hơn… trong lúc việc tuyển lao động trong các khu công nghiệp không phải dễ dàng.
Tập trung hướng dẫn, hỗ trợ cho CĐCS thương lượng về tiền lương
Hiện Công đoàn các KCN-CX Hà Nội đang quản lý trực tiếp 365 CĐCS với trên 150.000 lao động, trong đó đoàn viên gần 150.000 người. Số lượng và chất lượng các bản TƯLĐTT ngày được nâng cao. TƯLĐTT đạt gần 70%, trong đó TƯLĐTT có nội dung thương lượng về tiền lương chiếm gần 60%.
Từ kinh nghiệm cũng như từ thực tế, Công đoàn các KCN-CX Hà Nội tổ chức tập huấn, cung cấp những quy định của pháp luật về công tác đối thoại, thương lượng tập thể về thực hiện Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở về kỹ năng đối thoại, thương lượng tập thể…; tổ chức tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về công tác TƯLĐTT giữa các CĐCS... Đặc biệt tập trung hướng dẫn, hỗ trợ cho CĐCS theo cách cầm tay chỉ việc về thương lượng về tiền lương, tiền thưởng, các khoản phụ cấp, trợ cấp, điều kiện lao động...
Ví dụ, lựa chọn thời điểm để đưa ra đối thoại thương lượng; phải chọn thời điểm nhiều đơn hàng, công ty tổ chức làm thêm để đảm bảo giao hàng chứ không thể thương lượng về tăng lương trong lúc thiếu việc làm… Những gì có lợi hơn so với pháp luật quy định thì mới đưa vào ký kết để đảm bảo TƯLĐTT ngắn gọn, chất lượng.
Cùng với việc tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ CĐCS, Công đoàn các KCN-CX Hà Nội cung cấp tổng hợp mức điều chỉnh tăng lương, các khoản phụ cấp, trợ cấp... của các doanh nghiệp trong KCN để cán bộ CĐCS tham khảo trước khi đưa ra đề xuất, kiến nghị.
Một trong những hoạt động được Công đoàn các KCN-CX Hà Nội tập trung là nắm chắc tình hình tư tưởng, việc làm, thu nhập, đời sống đoàn viên, CNLĐ; kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh trong quan hệ lao động. Đồng thời định hướng dư luận xã hội trong đoàn viên, CNLĐ, không để xảy ra tranh chấp lao động và ngừng việc tập thể, qua đó xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trong các KCN- CX Hà Nội.
https://laodong.vn/cong-doan/70-thoa-uoc-lao-dong-dat-chuan-nho-loi-ich-hai-hoa-rui-ro-chia-se-1479902.ldo