Trang chủCông nhân 360Quan hệ lao động
Quan hệ lao động
Cập nhật lúc 11:18 07/12/2023 (GMT+7)
Cơ hội nhận lương hưu rộng mở hơn với công nhân lớn tuổi

Với đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để nhận lương hưu, một số công nhân cho rằng, cùng với việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì cần giảm cả tuổi nghỉ hưu để cơ hội nhận lương hưu rộng mở hơn.

Cơ hội nhận lương hưu rộng mở hơn với công nhân lớn tuổi
Anh Khánh cho rằng, đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội thiết thực với công nhân trung niên như anh. Ảnh: Phương Hân

Đồng tình với đề xuất

Năm nay 42 tuổi, có 9 năm tham gia bảo hiểm xã hội, anh Đồng Trọng Khánh - công nhân ở Khu công nghiệp Thăng Long (Đông Anh, Hà Nội) quyết định đầu năm 2024 sẽ nghỉ việc.

Chia sẻ về nguyên nhân quyết định về quê dù mức lương ở quê thấp, nam công nhân cho biết, nếu làm ở Hà Nội, thu nhập chỉ đủ chi trả mức sống cơ bản, không dư dả nhiều. Trong khi các con anh đã lớn, không thể mãi thuê trọ, còn vợ anh trước đây cũng làm ở khu công nghiệp này, từ khi bị tai nạn cũng phải về quê để tiện cho việc chữa trị.

Nghỉ ở công ty không có thu nhập, anh Khánh tính toán rất kỹ cho dự định tương lai.

“Sau khi chấm dứt hợp đồng, tôi sẽ hưởng 9 tháng trợ cấp thất nghiệp, thời gian này tôi sẽ đi làm bên ngoài, chờ 1 năm sau nghỉ việc thì nhận chế độ 1 lần” - anh Khánh cho hay.

Trước đề xuất giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm xuống 15 năm để hưởng lương hưu, đồng thời đề nghị nghiên cứu giảm xuống 10 năm trong tương lai, anh Khánh thấy hợp lý. Bởi sau khi nhận bảo hiểm xã hội 1 lần, nam công nhân sẽ tiếp tục xin đi làm công ty để tham gia bảo hiểm xã hội lại từ đầu. Nếu đóng đủ 15 năm, khi đó anh Khánh 59 tuổi - gần tới tuổi nghỉ hưởng lương hưu.

Song điều anh lo lắng, mức hưởng lương hưu thấp vì lương cơ bản ở quê thấp. Đồng thời, nam công nhân cho rằng, cùng với việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội thì cần giảm cả tuổi nghỉ hưu để cơ hội nhận lương hưu của công nhân rộng mở hơn.

“Khoảng năm 2010, tôi rút bảo hiểm xã hội 1 lần được hơn 4 triệu đồng, số tiền này đủ trang trải trong vài tháng không có việc làm” - anh Khánh nói.

Cần giảm cả tuổi nghỉ hưu

“Với công nhân xa quê, đề xuất giảm năm đóng bảo hiểm xã hội vô cùng thiết thực. Nếu được giảm thêm tuổi nghỉ hưu thì cơ hội nhận lương hưu sẽ không còn xa với công nhân. Vì vậy, giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu đi đôi với giảm tuổi nghỉ hưu sẽ có ý nghĩa với công nhân” - anh Bùi Văn Luận (công nhân ở KCN Thăng Long) bày tỏ.

7 năm làm công nhân ở Hà Nội, lương cộng phụ cấp của anh Luận ở mức 8 triệu đồng/tháng. Vài tháng trở lại đây công ty ít việc, nam công nhân sinh năm 1990 chỉ đi làm giờ hành chính. Anh và vợ thuê trọ gần khu công nghiệp, những ngày không được tăng ca, vợ anh phải đi nhổ rau thuê; còn anh trông cháu cho chị gái.

Chia sẻ về dự định tương lai, anh Luận nói “không thể ở Hà Nội mãi làm công nhân”. Dù muốn hưởng lương hưu về già nhưng tuổi nghỉ hưu hiện nay, theo lộ trình là 62 tuổi đối với anh, là rào cản lớn với nam công nhân này.

Căn cứ quy định tại Điều 54, 55, 73 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019) thì có thể thấy, để được hưởng lương hưu thì người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc cần phải đáp ứng đủ 2 điều kiện về tuổi nghỉ hưu và thời gian đã tham gia bảo hiểm.

Trong đó, phải có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, trừ trường hợp lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thì phải có đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.

Theo cơ quan soạn thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), đề xuất giảm thời gian đóng Bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia Bảo hiểm xã hội muộn hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng Bảo hiểm xã hội có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm Bảo hiểm y tế.

https://laodong.vn/cong-doan/co-hoi-nhan-luong-huu-rong-mo-hon-voi-cong-nhan-lon-tuoi-1276541.ldo

MINH PHƯƠNG - BẢO HÂN (báo lao động)

 
In
Về đầu
Lượt truy cập: