Công chức hiến kế cách đánh giá công việc theo KPI
Luật Cán bộ, công chức 2025 có quy định về đánh giá, xếp loại công chức theo các tiêu chí gắn với tiến độ, chất lượng, sản phẩm theo vị trí việc làm (KPI).
Không ít cán bộ, công chức cho biết, mỗi vị trí công việc nên xây dựng chỉ số hiệu suất công việc (KPI) phù hợp rồi mới đánh giá. Ảnh: Hải Nguyễn.
Theo ghi nhận, không ít cán bộ, công chức cho biết, mỗi vị trí công việc nên xây dựng chỉ số hiệu suất công việc (KPI) phù hợp rồi mới đánh giá.
Anh Nguyễn Văn Hùng (Ninh Bình) - công chức tài chính - kế toán xã cho biết, nên đánh giá KPI dựa theo các công việc cố định và ngắn hạn tại cơ quan. Những công việc mang tính dài hạn thì không nên đưa vào KPI.
“Lĩnh vực tài chính kế toán tôi đang làm thường xuyên phải kiểm tra, công trình, số liệu rất nhiều. Khâu thanh toán với cấp trên, đối tác, nhà thầu cũng phức tạp, mất thời gian, có thể kéo dài vài tháng. Nên khi đánh giá KPI cần phải đưa ra tiêu chí phù hợp với công việc dài hạn” - anh Hùng cho hay.
Đồng quan điểm, anh Phạm Văn Bình - công chức tư pháp - hộ tịch xã cho hay, có rất nhiều công việc không thể ghi nhận kết quả ngay. Theo anh Bình, chỉ nên đánh giá hiệu suất, vị trí việc làm các công việc cố định được giải quyết ngay tại cơ quan.
“Nhiều tháng, tôi phải đi tuyên truyền pháp luật cho người dân, vận động mọi người kết hôn, sinh con… Người dân họ cũng cần thời gian để suy xét, thay đổi nhận thức và hành động, không phải ai cũng thay đổi ngay” - anh Bình nói.
Chị Nguyễn Thị Huyền (Ninh Bình) - công chức văn hóa, xã hội xã đồng tình với chính sách giao KPI khi làm việc. Theo chị Huyền, chính sách sẽ xóa bỏ cơ chế cào bằng thu nhập của rất nhiều công chức hiện nay.
Tuy nhiên, chị Huyền cho rằng, giao KPI khi làm việc cần đánh giá khách quan theo tình hình, số lượng công việc thực tế.
“Khi hợp nhất các xã, khối lượng công việc nhiều hơn trước. Theo tôi, nên dựa vào tổng số lượng hồ sơ phải xử lý trong tháng để đánh giá mới hợp tình, hợp lý” - chị Huyền bày tỏ.
Bên cạnh đó, chị Huyền cho biết, các công việc khó, phức tạp nên có chính sách "thưởng nóng" giống như doanh nghiệp để tạo động lực cho cán bộ, công chức.
Anh Nguyễn Văn Quân - người dân tại Ninh Bình chia sẻ, khi giao KPI cho cán bộ, công chức, viên chức sẽ giúp hồ sơ của người dân được giải quyết nhanh hơn. Để đảm bảo tính công bằng và hiệu quả, anh Quân cho rằng, cần kết hợp với các đánh giá thực tế của người dân.
Tại các ngân hàng và trung tâm dịch vụ hành chính công cấp tỉnh hiện nay đều có các nút đánh giá mức độ hài lòng sau khi giải quyết công việc. Theo anh Quân, nên áp dụng cách này vào tất cả các cấp hiện tại.
“Nên tạo bảng khảo sát mức độ hài lòng của người dân theo thang điểm 100 hoặc từ 1 đến 5 sao tại mỗi quầy làm việc. Sau khi thực hiện xong hồ sơ, người dân sẽ đánh giá số điểm, số sao ngay để lãnh đạo cơ quan xem xét, đánh giá hiệu suất công việc của cán bộ, công viên chức thực hiện” - anh Quân nói.
Tuy nhiên, theo anh Quân, cần đảm bảo tính bảo mật thông tin cho người dân khi đánh giá mức độ hài lòng. Như vậy, người dân mới sẵn sàng góp ý, đánh giá hiệu suất công việc của các cán bộ, công chức và viên chức.
Luật Cán bộ, công chức 2025 quy định nguyên tắc, thẩm quyền, nội dung, phương thức đánh giá, xếp loại chất lượng công chức trên cơ sở theo dõi, đánh giá thường xuyên, liên tục, đa chiều, định lượng bằng các tiêu chí cụ thể gắn với tiến độ, số lượng, chất lượng của kết quả, sản phẩm theo vị trí việc làm (KPI);
Sử dụng kết quả đánh giá để thực hiện khen thưởng, chế độ thu nhập tăng thêm, tiền thưởng hoặc xem xét bố trí vào vị trí việc làm thấp hơn hoặc cho thôi việc để sàng lọc người không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ra khỏi bộ máy;
Đồng thời, quy định cụ thể trách nhiệm của người đứng đầu trong việc quản lý, đánh giá và sử dụng công chức đúng năng lực, đúng vị trí việc làm.
https://laodong.vn/cong-doan/cong-chuc-hien-ke-cach-danh-gia-cong-viec-theo-kpi-1538161.ldo
Minh Hương (BÁO LAO ĐỘNG)