Trang chủCông nhân 360Quan hệ lao động
Quan hệ lao động
Cập nhật lúc 11:05 01/10/2023 (GMT+7)
Công nhân giảm thu nhập, tiểu thương kinh doanh nhỏ, lẻ ế ẩm

Doanh nghiệp không tăng ca, thu nhập giảm sút khiến nhiều công nhân lao động phải cắt giảm chi tiêu. Theo đó, những tiểu thương kinh doanh dịch vụ ăn uống, hàng hóa nhỏ, lẻ cũng bị ảnh hưởng.

Công nhân giảm thu nhập, tiểu thương kinh doanh nhỏ, lẻ ế ẩm

Đông người bán, thưa công nhân

Gần 20 năm nay, bà Lê Kim Ngọc (62 tuổi, tiểu thương gần KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ) chưa từng rơi vào cảnh ế ẩm như lúc này. Bà cho biết, xe bánh mì của bà chủ yếu bán được là nhờ công nhân nhưng dạo gần đây, công nhân ít việc, thu nhập giảm nên hầu hết đều chi tiêu tiết kiệm, bữa ăn sáng cũng bị cắt bớt.

“Giờ công nhân đi làm ít nên mình bán cũng ít lại. Lúc trước tôi bán mỗi ngày trên 100, thậm chí có hôm lên 200 ổ bánh mì, nhưng giờ cố lắm cũng chỉ bán được vài chục ổ mỗi ngày”, bà Ngọc nói.

Bà Ngọc ngán ngẩm vì buôn bán ngày một bấp bênh. Ảnh: Mỹ Ly
Bà Ngọc ngán ngẩm vì buôn bán ngày một bấp bênh. Ảnh: Mỹ Ly

Nhìn cảnh ế ẩm như hiện nay, bà Ngọc không khỏi tiếc nuối khi nhớ lại cái thời mình bán không ngơi tay, còn công nhân thì chen chúc nhau mua đồ ăn sáng trước giờ vô ca.

“Ngày trước tôi bán một mình không xuể nên phải nhờ người đến phụ giúp, có hôm bán không kịp ăn gói xôi sáng. Những lúc đó mệt mà vui. Còn bây giờ người bán đông mà công nhân thì thưa...”, bà Ngọc tâm sự.

Cũng gắn bó với việc bán đồ ăn sáng cho công nhân 20 năm, bà Lý Thị Thúy Vân (58 tuổi, tiểu thương gần KCN Trà Nóc, TP Cần Thơ) cũng lo lắng về việc công nhân ngày một vắng dần ở các nơi mua sắm, ăn uống. Bởi xe đồ ăn của bà phụ thuộc rất lớn vào công nhân.

“4 giờ kém là tôi bắt đầu dọn hàng ra, công nhân chủ yếu mua trong khoảng 5 giờ 30 đến 6 giờ 30, sau lúc đó là bắt đầu vắng dần. Nhưng dạo này, tình tình hình thất nghiệp tăng và thu nhập giảm sút nên công nhân hạn chế chi tiêu. Nếu ngày tôi bán được 10 phần thì giờ còn chừng 5 phần. Chưa kể ngày trước, một số công nhân còn làm cả Chủ nhật nên tôi bán thêm được hôm đó. Còn giờ bán Chủ nhật rất ế ẩm”, bà Vân kể lại.

Không thể lên giá

Bán cho công nhân vốn đã lời không nhiều mà vật giá còn leo thang khiến những tiểu thương này rơi vào cảnh chật vật. Dù vậy, họ vẫn để nguyên giá bán cũ nhằm giữ chân công nhân.

Trước tình cảnh người bán nhiều, người mua ít, bà Ngọc đành chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ khách: “Giờ mua nguyên liệu cái gì cũng lên nhưng giá bán cho công nhân thì không được lên. Anh chị em công nhân làm không có tiền nhiều, mình lên giá thì họ không ăn. Do đó, tôi đành chịu lời ít một chút, doanh thu không bằng ngày xưa, cuộc sống cũng eo hẹp hơn”.

Từng dư dả nhờ xe đồ ăn sáng, giờ đây, bà Vân phải gói ghém lắm mới đủ trang trải cuộc sống. Bởi bên cạnh sức mua của công nhân giảm sút, bà Vân còn chịu áp lực của tiền thuê mặt bằng và giá cả hàng hóa leo thang.

“Hồi xưa chồng đi làm, tôi buôn bán đắt nên cũng có dư chút ít. Giờ chồng về hưu, tôi trở thành thu nhập chính của gia đình, 1 người làm, 2 - 3 người ăn nên kinh tế khá khó khăn. Hơn thế, buôn bán bấp bênh mà nguyên liệu nào cũng tăng giá, kể cả các loại gia vị. Nếu hồi xưa giá đường cát tôi mua chỉ có hơn 100.000 đồng/cây thì giờ đã gần 300.000 đồng/cây, lên gần gấp ba”, bà Vân chia sẻ.

Vật giá leo thang nhưng bà Vân vẫn bán giá cũ để giữ chân công nhân. Ảnh: Mỹ Ly
Vật giá leo thang nhưng bà Vân vẫn bán giá cũ để giữ chân công nhân. Ảnh: Mỹ Ly

Bà Vân cũng cho biết, dù mọi thứ nguyên liệu đều tăng nhưng giá bán cho công nhân vẫn không tăng, ổ bánh mì vẫn 10.000 đồng, hộp xôi vẫn 15.000 đồng. "Tăng giá thì công nhân không ăn, mà giữ giá này lâu dài thì mình có nguy cơ bị lỗ. Chỉ mong tình hình việc làm của công nhân cũng như giá cả các mặt hàng sẽ sớm được ổn định trở lại để cả công nhân và tiểu thương chúng tôi đỡ vất vả hơn", bà Vân nói thêm.

https://laodong.vn/cong-doan/cong-nhan-giam-thu-nhap-tieu-thuong-kinh-doanh-nho-le-e-am-1247974.ldo

MỸ LY (báo lao động)

 
In
Về đầu
Lượt truy cập: