Người lao động làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Bảo Hân
Cách đây 3 năm, anh Đặng Xuân Sơn (tên nhân vật đã thay đổi), công nhân Khu công nghiệp Thăng Long (huyện Đông Anh, Hà Nội) nghỉ việc. Sau quãng thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp gần 10 năm, anh được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Mỗi tháng anh được hưởng hơn 4 triệu đồng tiền trợ cấp thất nghiệp. Số tiền này giúp anh đỡ vất vả hơn trong thời gian nghỉ việc.
Anh dùng số tiền này để trả tiền thuê nhà (hơn 1 triệu đồng/tháng) và tiền ăn của cả gia đình trong quãng thời gian không có việc làm. “Tôi mong muốn không giới hạn thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp. Thay vào đó, thời gian người lao động được hưởng trợ cấp thất nghiệp nên tương ứng với số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của họ; đồng thời tăng mức tiền hưởng trợ cấp thất nghiệp để bớt khó khăn cho người lao động” - anh Sơn đề xuất.
Khoản 2 Điều 46 dự thảo Luật Việc làm quy định: Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp, sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm 1 tháng trợ cấp thất nghiệp nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Về vấn đề này, ông Vũ Hồng Quang - Phó Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đề nghị nghiên cứu, không quy định giới hạn thời gian tối đa hưởng trợ cấp thất nghiệp. Lý do đề xuất nhằm đảm bảo quyền lợi tương xứng với mức đóng và thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động; hỗ trợ người lao động trong giai đoạn khó khăn khi chưa tìm được việc làm, đặc biệt đối với nhóm lao động lớn tuổi hoặc trong các ngành nghề đặc thù. Bên cạnh đó, theo ông Quang, đề xuất này còn giúp tăng cường tính bền vững và hấp dẫn của chính sách bảo hiểm thất nghiệp, khuyến khích người lao động tham gia dài hạn.
“Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hiện nay được đánh giá là ổn định và có dư địa để hỗ trợ người lao động tốt hơn, nhất là khi chỉ có một phần nhỏ người lao động đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp dài hạn. Việc tính thời gian hưởng trợ cấp dựa trên số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp là hợp lý, minh bạch, dễ áp dụng và không phát sinh thêm gánh nặng quỹ, giảm áp lực tài chính cho người lao động mất việc làm trong thời gian dài, đặc biệt là những người chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu và góp phần ổn định xã hội, hỗ trợ tái hòa nhập thị trường lao động một cách bền vững” - ông Vũ Hồng Quang cho biết.
Ông Vũ Hồng Quang cũng đề nghị nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, góp phần hỗ trợ đời sống của người lao động khi gặp rủi ro về việc làm và nhận định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp là vấn đề nhận được sự quan tâm lớn của đoàn viên, người lao động.
“Qua tổng hợp kiến nghị cử tri, ý kiến của các cấp công đoàn, đoàn viên, người lao động, đa số đơn vị gửi báo cáo đều có ý kiến về việc nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 75% bằng mức hưởng lương hưu tối đa nhằm tạo điều kiện hỗ trợ người lao động có cuộc sống tối thiểu khi mất việc làm, thất nghiệp và hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần” - ông Vũ Hồng Quang nói.
https://laodong.vn/cong-doan/de-xuat-nang-thoi-gian-muc-huong-tro-cap-that-nghiep-1479204.ldo