Đề xuất tiền lương đóng bảo hiểm xã hội vẫn giữ 2 loại phụ cấp
Bộ Nội vụ đã có công văn trả lời Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xung quanh việc đánh giá tác động của chính sách tiền lương mới, dự kiến thực hiện từ 1.7.2024.
Đề xuất mức lương đóng bảo hiểm xã hội
Theo đó, Bộ Nội vụ khẳng định kinh phí để thực hiện cải cách tiền lương ở khu vực Nhà nước được lấy từ năm nguồn gồm: Tăng thu và nguồn dư của địa phương đã bố trí cho cải cách tiền lương các năm trước chuyển sang, nguồn ngân sách Trung ương, một phần nguồn thu sự nghiệp, 10% tiết kiệm tăng thêm chi thường xuyên và nguồn do thực hiện tinh giản biên chế.
Cũng theo Bộ Nội vụ, số liệu tính toán, cân đối cụ thể từ năm nguồn nêu trên và nội dung chi khi cải cách chính sách tiền lương thuộc nhiệm vụ của Bộ Tài chính.
Về cơ cấu tiền lương mới, Bộ Nội vụ cho biết có ba khoản gồm: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương); bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương cơ bản của năm, không bao gồm phụ cấp).
Trong đó bộ đã nêu rõ thực hiện chế độ lương chức vụ (bỏ chế độ phụ cấp chức vụ lãnh đạo) và thu hẹp đối tượng hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề (chỉ còn áp dụng đối với quân đội, công an, cơ yếu).
Căn cứ quy định nêu trên và quy định hiện hành của pháp luật về bảo hiểm xã hội, Bộ Nội vụ đề nghị tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (khu vực công) khi thực hiện chế độ tiền lương mới tiếp tục quy định là:
Mức tiền lương cơ bản (quy định trong 5 bảng lương mới), phụ cấp thâm niên nghề và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
Làm rõ tác động của cải cách chính sách tiền lương
Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, và dự kiến trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5.2024).
Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa cập nhật, đánh giá tác động toàn diện, đầy đủ của việc thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1.7.2024.
Theo yêu cầu của Ủy ban Xã hội của Quốc hội tại văn bản số 2241/UBXH15 ngày 18.1.2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, và ưu đãi người có công, giao Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng các Bộ: Nội vụ, Quốc phòng, Công an, Tài chính, Tư pháp và Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam khẩn trương nghiên cứu, làm rõ tác động của việc thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng đối với các đối tượng khác nhau.
Đặc biệt là lực lượng vũ trang, trợ cấp ưu đãi người có công, và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở, cơ cấu tiền lương làm căn cứ để đóng bảo hiểm xã hội.
Từ đó, đề xuất chỉnh lý các nội dung có liên quan trong dự thảo Luật. Đồng thời, đánh giá tác động đến ngân sách Nhà nước khi thực hiện điều chỉnh, bảo đảm tính chính xác của số liệu, xem xét đầy đủ, toàn diện các khía cạnh, báo cáo Chính phủ trong tháng 1.2024.
Ông Bùi Sỹ Lợi - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội (nay là Ủy ban Xã hội) của Quốc hội - cho rằng, việc cải cách tiền lương đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia. Bởi tiền lương đi kèm với chất lượng nguồn nhân lực, năng suất lao động.
Do vậy, để thực hiện cải cách tiền lương một cách tổng thể, chúng ta cần phải nghiên cứu, đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, chuẩn bị nguồn lực lâu dài và tạo ra được sự thay đổi rõ rệt về chế độ tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức.
“Cải cách tiền lương sẽ đi kèm với việc thúc đẩy năng suất lao động, nâng cao năng suất lao động, tạo cú hích mới trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong một giai đoạn mới” - ông Lợi phân tích.
https://laodong.vn/cong-doan/de-xuat-tien-luong-dong-bao-hiem-xa-hoi-van-giu-2-loai-phu-cap-1299824.ldo
HẠNH AN (báo lao động)