Thời sự
Cập nhật lúc 11:44 21/05/2025 (GMT+7)
Băn khoăn tuyển dụng, điều động giáo viên khi không còn chính quyền cấp huyện

Quảng Ninh - Chính quyền cấp xã được tuyển dụng, điều động giáo viên trong xã, nhưng điều động giáo viên hỗ trợ xã, phường khác thì lại là một vấn đề.

Băn khoăn tuyển dụng, điều động giáo viên khi không còn chính quyền cấp huyện
Chính quyền cấp xã sẽ quản lý trực tiếp các trường cấp 1, 2 và mầm non công lập cũng như công tác tuyển dụng, điều động giáo viên. Ảnh: Nguyễn Hùng

Trao đổi với Lao Động, ông Đinh Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) tỉnh Quảng Ninh - cho biết, sau sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã và không tổ chức chính quyền cấp huyện thì toàn bộ chức năng, nhiệm vụ của Phòng GDĐT cấp huyện cũng được chuyển cho UBND chính quyền cấp xã.

Theo đó, chính quyền cấp xã sẽ trực tiếp quản lý các trường công lập từ cấp 2 trở xuống, đồng thời có thẩm quyền tuyển dụng và điều động giáo viên.

Tuy nhiên, có một số bất cập ở đây, trong đó chưa rõ đơn vị, tổ chức nào sẽ điều động, luân chuyển giáo viên để bổ sung, hỗ trợ cho các xã, phường thiếu giáo viên, bởi chính quyền cấp xã chỉ được điều động, luân chuyển giáo viên trong đơn vị hành chính của mình.

“Lâu nay, xã, phường nào thiếu giáo viên thì Phòng GDĐT sẽ tham mưu để UBND cấp huyện xem xét điều động giáo viên từ các trường xã, phường này cho các trường ở xã, phường khác. Tuy nhiên, khi không còn đơn vị hành chính cấp huyện thì việc này chưa giao cho đơn vị nào” - ông Sơn cho biết.

Cũng theo ông Sơn, việc tuyển dụng giáo viên được giao cho chính quyền cấp xã cũng sẽ có những khó khăn nhất định, liên quan đến chất lượng hội đồng xét tuyển và khâu tổ chức.

Hiện, hội đồng xét tuyển của UBND cấp huyện thường do một phó chủ tịch UBND cấp huyện phụ trách mảng văn - xã làm chủ tịch, cùng với các thành viên, gồm trưởng phòng giáo dục - đào tạo và các chuyên viên của các đơn vị liên quan khác.

“Chúng tôi tiếp tục phối hợp với các ban, ngành liên quan để tham mưu, đề xuất với tỉnh, các bộ, ngành để giải quyết những vấn đề trên” - ông Sơn chia sẻ.

Theo Sở GDĐT tỉnh Quảng Ninh, tại Quảng Ninh, sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã thì chỉ có riêng xã đảo Cái Chiên, huyện Hải Hà là giữ nguyên số lượng các trường cấp 1,2 và mầm non công lập vì đây là xã đảo duy nhất không sáp nhập.

Các đơn vị hành chính cấp xã khác, có những đơn vị có khá nhiều trường công lập các cấp bởi sáp nhập từ 2-3 xã, phường để thành một đơn vị hành chính cấp xã.

Về tên gọi của các trường sau sáp nhập, Phó Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Quảng Ninh Đinh Ngọc Sơn cho biết các trường có thể đặt tên riêng, lấy tên danh nhân… nếu thấy phù hợp, hoặc vẫn giữ tên cũ.

Trong cuộc khảo sát thực tế công tác quản lý giáo dục khi sắp xếp tổ chức, bộ máy tại Quảng Ninh ngày 15.5.2025, ông Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo - khẳng định: Việc sắp xếp tổ chức, bộ máy chính quyền 2 cấp tới đây sẽ là mô hình kiểu mới, theo đó hệ thống giáo dục cũng được thay đổi theo cho phù hợp.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ với những băn khoăn của cấp quản lý và nhấn mạnh, trong quá trình diễn ra sắp xếp các đơn vị hành chính sẽ xác định những điểm cốt lõi, nguyên tắc riêng có của ngành giáo dục và đào tạo để đảm bảo duy trì giữ nguyên. Đặc biệt phải cố gắng duy trì hiện trạng các trường học hiện có và sẽ điều chỉnh, xử lý từng bước cho phù hợp với mô hình chính quyền mới trên tinh thần “vừa chạy, vừa xếp hàng”; việc phân chia quản lý giữa cấp sở với cấp xã sau hình thành không được cứng nhắc, làm ảnh hưởng đến quá trình dạy và học.

https://laodong.vn/giao-duc/ban-khoan-tuyen-dung-dieu-dong-giao-vien-khi-khong-con-chinh-quyen-cap-huyen-1510245.ldo

Nguyễn Hùng (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: