Bộ tứ trụ cột, hệ cơ xương hoàn chỉnh của thể chế để Việt Nam cất cánh
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, 4 Nghị quyết của Bộ Chính trị vừa ban hành mới đây là “bộ tứ trụ cột” để giúp chúng ta cất cánh.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, 4 Nghị quyết của Bộ Chính trị mới đây là "bộ tứ trụ cột", tạo động lực mạnh mẽ để đất nước phát triển. Ảnh: Hải Nguyễn
Bốn Nghị quyết được Tổng Bí thư gọi là “Bộ tứ trụ cột” vừa được Bộ Chính trị ban hành thể hiện tầm nhìn đột phá về phát triển quốc gia trong giai đoạn mới gồm: Nghị quyết 57 về thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo – nhằm tăng năng suất nền kinh tế; Nghị quyết 59 về hội nhập quốc tế sâu rộng – nhằm mở rộng không gian phát triển; Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật – để thể chế không còn là điểm nghẽn; và Nghị quyết 68 về phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân – để giải phóng nguồn lực xã hội.
Đây là bốn Nghị quyết có tính liên hoàn, một chỉnh thể cải cách toàn diện, bổ trợ lẫn nhau, cùng đặt nền móng thể chế cho một mô hình phát triển mới của đất nước, năng động và hiệu quả hơn.
Có thể liên tưởng, “bộ tứ trụ cột” với tinh thần cải cách sâu sắc này là một hệ cơ xương hoàn chỉnh như cơ thể người của thể chế quốc gia để Việt Nam cất cánh.
Bởi không thể có tăng trưởng bền vững nếu không có một hệ thống pháp luật bắt nhịp kịp thời đại, một khu vực tư nhân khỏe mạnh, một năng lực công nghệ đột phá và một tầm nhìn hội nhập sâu rộng.
Tuy nhiên, như Tổng Bí thư nhấn mạnh, “bộ tứ trụ cột” đã có nhưng có thành công hay không lại phụ thuộc vào việc cả hệ thống chính trị có thực sự “biến khát vọng thành hành động” hay không.
Muốn bốn trụ cột thể chế này thành bệ phóng thực sự thì từng ngành, từng địa phương, từng cán bộ phải đồng hành bằng tinh thần đổi mới, trách nhiệm, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Một trong những điểm đáng chú ý nữa mà Tổng Bí thư đặt ra là phải đổi mới tư duy, từ lối mòn sang sáng tạo; từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ và dẫn dắt. Không thể phát triển tư nhân mà vẫn có tâm lý “ngại” tư nhân. Không thể đổi mới công nghệ mà vẫn trói buộc doanh nghiệp vào thủ tục rườm rà. Và càng không thể hội nhập sâu nếu nội lực kinh tế vẫn thiếu sức bật.
Khi Tổng Bí thư gọi bốn Nghị quyết vừa ban hành là “bộ tứ trụ cột” cho sự phát triển, đó không chỉ là tín hiệu đổi mới mà còn là áp lực cần thiết để toàn hệ thống hành động.
Đây là thời điểm mà cải cách không thể tiếp tục tuần tự, cầm chừng, mà phải thực hiện với tinh thần dấn thân, sáng tạo và vì quốc gia.
“Bốn trụ cột” còn là một bài kiểm tra cho năng lực vận hành chính sách với các câu hỏi: Làm sao để tránh tình trạng “nghị quyết rất đúng” nhưng triển khai lại chậm, thiếu đồng bộ? Làm sao để các bộ, ngành, địa phương không đứng ngoài cuộc cải cách này? Làm sao để từng phần của “cỗ máy” thể chế cùng chuyển động nhịp nhàng, hiệu quả?
"Bốn trụ cột" sẽ thật sự trở thành bệ phóng đưa Việt Nam cất cánh khi cả hệ thống chính trị đồng lòng chuyển động, lấy khát vọng hùng cường làm kim chỉ nam và lấy hành động cụ thể vì dân làm động lực không ngừng nghỉ.
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/bo-tu-tru-cot-he-co-xuong-hoan-chinh-cua-the-che-de-viet-nam-cat-canh-1509486.ldo
Hoàng Văn Minh (báo lao động)