Cấm điện thoại để học sinh tập trung, vận động và kết nối thực sự
Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM yêu cầu nghiên cứu phương án đề xuất cấm không cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ ra chơi.
Học sinh Trường THPT Trường Chinh (TPHCM) chơi thể thao trong giờ ra chơi - trường đang thực hiện quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại cả giờ ra chơi. Ảnh: Chân Phúc
Việc Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM yêu cầu nghiên cứu tham mưu phương án đề xuất cấm không cho học sinh sử dụng điện thoại di động trong giờ ra chơi và trong hoạt động giáo dục tại trường là một bước đi phù hợp, cần thiết và cần được ủng hộ.
Điều này không chỉ giúp học sinh tránh bị phân tán tư duy mà còn khuyến khích vận động thể chất, tăng cường tương tác xã hội - những yếu tố không thể thiếu trong quá trình trưởng thành.
Trên thực tế, quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại di động trong khuôn viên trường học không phải điều gì mới mẻ. Nhiều trường tư thục trên cả nước không chỉ cấm điện thoại trong giờ ra chơi mà cấm mang điện thoại và lớp học từ lâu và ghi nhận nhiều hiệu quả rõ rệt.
Tại TPHCM cũng có một số trường, ví dụ Trường THPT Thạnh Lộc và THPT Trường Chinh đang áp dụng quy định cấm học sinh sử dụng điện thoại trong khuôn viên trường học, kể cả giờ ra chơi. Học sinh chỉ được sử dụng khi có sự đồng ý của giáo viên, tuy nhiên không cấm học sinh mang điện thoại tới trường.
Không có điện thoại, học sinh học tập tập trung hơn, chủ động hơn, tránh được cám dỗ của mạng xã hội hay trò chơi điện tử trong giờ giải lao, đồng thời có thời gian để chơi thể thao, rèn luyện sức khỏe, kết nối với bạn bè, giáo viên qua giao tiếp trực tiếp thay vì tương tác ảo.
Giờ ra chơi, vốn được thiết kế như khoảng thời gian giúp học sinh giải tỏa căng thẳng sau giờ học, nay đang bị “chiếm dụng” bởi các thiết bị công nghệ. Không ít em chọn ngồi lặng lẽ bên góc lớp, cúi đầu vào điện thoại thay vì ra sân vận động hay trò chuyện với bạn bè.
Việc lạm dụng điện thoại không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất mà còn hình thành thói quen cô lập, thu hẹp khả năng giao tiếp, một kỹ năng sống rất cần thiết sau này.
Bên cạnh đó, điện thoại thông minh còn có thể là nguyên nhân dẫn đến các hành vi lệch chuẩn như bạo lực học đường qua mạng, phát tán nội dung phản cảm, gian lận trong học tập.
Khi được kiểm soát tốt, việc cấm điện thoại trong trường học không phải là tước đi quyền của học sinh, mà là tạo ra môi trường học tập lành mạnh, công bằng và an toàn.
Tất nhiên, không phải hoạt động nào trong trường học cũng cần cấm hoàn toàn điện thoại. Những trường hợp đặc biệt, như cần dùng thiết bị để học tập theo yêu cầu của giáo viên, vẫn cần được linh hoạt.
Nhưng điều quan trọng là nhà trường phải đặt ra quy định rõ ràng, có hướng dẫn thực thi và biện pháp kiểm soát phù hợp, tránh làm hình thức hoặc gây phiền hà không cần thiết.
Ý tưởng cấm điện thoại của Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, nếu thành hiện thực và thực hiện thành công, sẽ là một bước điều chỉnh dạy học và cả văn hóa học đường theo hướng tích cực, nên được nhân rộng ra nhiều địa phương khác trên cả nước.
Giáo dục không chỉ là dạy chữ, mà còn là dạy cách làm người, dạy kỹ năng sống, và đó là điều mà những giờ ra chơi không điện thoại có thể góp phần quan trọng vào việc thành công.
https://laodong.vn/y-kien-ban-doc/cam-dien-thoai-de-hoc-sinh-tap-trung-van-dong-va-ket-noi-thuc-su-1538162.ldo
Tường Minh (BÁO LAO ĐỘNG)