Cấp tỉnh phải giám sát toàn bộ hoạt động khởi tố, điều tra của công an cấp xã
Đại biểu đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm kiểm tra, giám sát thường xuyên trực tiếp cấp tỉnh với hoạt động khởi tố, điều tra của công an cấp xã.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ đề nghị giám sát toàn bộ hoạt động khởi tố, điều tra của công an cấp xã. Ảnh: Phạm Đông
Chiều 27.5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn TPHCM) góp ý việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của điều tra viên được bố trí là trưởng công an hoặc là phó trưởng công an cấp xã.
Đại biểu ủng hộ chủ trương tăng cường năng lực cho cấp cơ sở và việc bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho điều tra viên, trưởng công an, phó trưởng công an cấp xã là phù hợp với định hướng này, đảm bảo tính kịp thời trong giải quyết vụ việc.
Để đảm bảo hiệu quả và tính pháp chế, đại biểu đề nghị rà soát kỹ lưỡng và quy định thật cụ thể, chặt chẽ về thẩm quyền của lực lượng này sao cho phù hợp với năng lực của công an cấp xã và đảm bảo hiệu quả thực chất trong công tác phòng, chống tội phạm.
Theo đại biểu, việc giao thêm thẩm quyền cho công an cấp xã phải đi đôi với việc xác định rõ các tiêu chuẩn về năng lực, trình độ chuyên môn pháp lý tối thiểu với các điều tra viên.
Không chỉ đơn thuần là bố trí điều tra viên từ cấp tỉnh về mà còn cần có các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu, đặc biệt là các kỹ năng điều tra cơ bản, thu thập và đánh giá chứng cứ. Đồng thời cơ chế kiểm soát quyền lực phải được đặc biệt chú trọng.
Bộ luật Tố tụng hình sự cần quy định cụ thể trách nhiệm kiểm tra, giám sát thường xuyên trực tiếp của thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh và Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền đối với toàn bộ hoạt động khởi tố, điều tra của công an cấp xã.
Phải có cơ chế chỉ đạo nghiệp vụ rõ ràng và quy định về trách nhiệm liên đới của cấp trên để phòng ngừa sai phạm.
"Có lẽ nên cân nhắc một lộ trình, chúng ta triển khai thận trọng và có thể thí điểm ở một số địa bàn, sau đó có điều kiện trước khi áp dụng rộng rãi", đại biểu kiến nghị.
Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (Đoàn TPHCM) nêu rõ, chúng ta sắp chuyển thành chính quyền 2 cấp và chỉ có cấp tỉnh, cấp xã. Bộ Công an từ ngày 1.3.2025 đã bỏ công an cấp huyện và lực lượng công an cấp huyện gồm thủ trưởng, phó thủ trưởng cơ quan điều tra, đội trưởng, phó đội trưởng các đội điều tra và điều tra viên được điều động về công an cấp tỉnh.
Theo báo cáo giải trình của Bộ Công an vào ngày 28.4.2025, sẽ bố trí ở các xã từ 6 đến 7 điều tra viên trong tổng biên chế của công an cấp xã. Đại biểu cho rằng sự bố trí này phù hợp.
"Bởi lẽ bây giờ nếu từ xã lên tỉnh, nếu ở các địa bàn xa phải đi cả ngày, mà sự việc xảy ra là phải giải quyết nhanh, ngay và hiệu quả", đại biểu nói.
Theo đại biểu, nếu trước đây công an xã giữ nhiệm vụ là bảo vệ hiện trường thì nay với việc tăng cường điều tra viên, công an xã chủ trì với danh nghĩa là điều tra viên và dưới sự kiểm sát của Viện kiểm sát nhân dân khu vực, quy định này là cần thiết.
Đại biểu cho rằng như vậy sẽ thực hiện được, vì có nhiều việc phải giải quyết ngay, phải lấy lời khai ngay và thực hiện các biện pháp tố tụng ngay.
Do đây là một lực lượng chuyên nghiệp và thực hiện thẩm quyền của thủ trưởng cơ quan điều tra phân công ủy quyền nên họ có quyền khởi tố, điều tra và thực hiện các biện pháp tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hiện hành.
https://laodong.vn/thoi-su/cap-tinh-phai-giam-sat-toan-bo-hoat-dong-khoi-to-dieu-tra-cua-cong-an-cap-xa-1513757.ldo
PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)