Cấp xã ở Hà Nội, TPHCM có thể có 50-60 công an
Viện trưởng VKSND tối cao cho biết mỗi xã sẽ có 30-40 cán bộ công an, riêng Hà Nội và TPHCM có thể mỗi xã có 50-60 cán bộ công an; 6-10 điều tra viên.
Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, mỗi xã sau sáp nhập sẽ có từ 6-10 điều tra viên trong tổng số 30-60 công an xã tùy theo địa bàn. Ảnh: Phạm Đông
Chiều 27.5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Giải trình, làm rõ một số nội dung tại phiên thảo luận, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao Nguyễn Huy Tiến, cho biết, việc bổ sung thẩm quyền cho trưởng, phó công an xã là điều tra viên thẩm quyền điều tra, khởi tố là yêu cầu thực tiễn.
Bởi lẽ, sau khi kết thúc công an cấp huyện thì thực tiễn hoạt động điều tra đang “hết sức vướng mắc”.
Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cho biết, đây là lần đầu tiên tổ chức lực lượng điều tra ở cấp xã. Trong khi trước đây công an xã chỉ được giao một số nhiệm vụ ban đầu.
Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cho biết mỗi xã phường ở Hà Nội, TPHCM có thể có từ 50-60 công an. Ảnh: Phạm Đông
Đồng tình với ý kiến đại biểu về việc phải tăng cường năng lực cho lực lượng công an xã khi giao thẩm quyền điều tra, khởi tố các vụ án, Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến cho biết, lực lượng điều tra viên ở công an xã tới đây là tăng cường từ cấp tỉnh, cấp huyện.
“Theo báo cáo của Bộ Công an, mỗi xã sẽ có 30-40 cán bộ công an, thậm chí ở địa bàn đặc biệt Hà Nội, TPHCM có thể 50-60 cán bộ công an. Số lượng điều tra viên tương ứng từ 6-7 hoặc 8-10 điều tra viên”, Viện trưởng Nguyễn Huy Tiến thông tin.
Theo Viện trưởng VKSND tối cao, dự thảo luật chỉ quy định điều tra viên trung cấp trở lên là phó, trưởng công an xã được thực hiện một số thẩm quyền do thủ trưởng cơ quan điều tra cấp tỉnh ủy quyền trực tiếp thông qua luật.
“Anh này được chỉ huy điều tra viên ở công an xã, chứ không phải ở xã chỉ có 1 điều tra viên”, Viện trưởng báo cáo.
Viện trưởng nhấn mạnh sẽ bố trí lực lượng như vậy để thực hiện khởi tố, điều tra những vụ án, vụ việc có mức độ nghiêm trọng có mức hình phạt cao nhất là 7 năm tù.
Về vấn đề xét xử vắng mặt, ông Nguyễn Huy Tiến nhấn mạnh việc này hết sức có tác dụng. Qua điều tra, truy tố, xét xử vắng mặt và đặc biệt là các tội phạm kinh tế, tham nhũng thì một số đối tượng qua bản án đã quay trở về thi hành án. Việc quyết định bằng bản án có giá trị pháp lý đối với nước ngoài.
Từ đó để thực hiện việc có thể dẫn độ hoặc chúng ta thực hiện các biện pháp để yêu cầu phải trở về chấp hành án. Trước đây, chúng ta đã có xử vắng mặt nhưng điều tra và truy tố lại chưa có bổ sung.
Việc này trong dự thảo luật đã giao cho Bộ trưởng Bộ Công an cũng như Viện trưởng Viện kiểm sát và Chánh án quy định cụ thể. Còn nếu quy định chi tiết tất cả trong một bộ luật có lẽ rất khó.
"Vấn đề này chúng tôi sẽ rà soát lại để sau khi luật thông qua chúng tôi sẽ thực hiện hướng dẫn. Ví dụ tống đạt như thế nào, thông qua phương tiện ra làm sao hoặc thông báo rộng rãi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng để các đối tượng nắm bắt được và chúng tôi sẽ thực hiện trong hướng dẫn", ông Nguyễn Huy Tiến nói.
https://laodong.vn/thoi-su/cap-xa-o-ha-noi-tphcm-co-the-co-50-60-cong-an-1513512.ldo
PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)