Thời sự
Cập nhật lúc 08:59 12/07/2025 (GMT+7)
Chiều nay, UNESCO xem xét ghi danh Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc

Quảng Ninh - Chiều nay (12.7), Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO họp xem xét Hồ sơ Yên Tử - Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc để ghi danh Di sản Thế giới.

Chiều nay, UNESCO xem xét ghi danh Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc
Chùa Đồng nên non thiêng Yên Tử. Ảnh: Nguyễn Hùng

Phiên họp xem xét công nhận Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản Thế giới dự kiến vào 12h ngày 21.7.2025 (giờ Paris), tức khoảng 17h cùng ngày theo giờ Việt Nam.

Phiên họp được truyền trực tiếp trên trang web chính thức của UNESCO tại địa chỉ: https://whc.unesco.org/en/sessions/47com

Đây là lần đầu tiên tại một kỳ họp thường niên của UNESCO, toàn bộ các phiên họp hàng ngày đều được phát trực tuyến công khai trên trang web chính thức của UNESCO.

Việt Nam đề cử Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn Kiếp Bạc lấy trung tâm là Thiền phái Trúc Lâm - dòng Phật giáo do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập từ thế kỷ 13, có vai trò gắn kết nhiều địa điểm, sự kiện, nhân vật trong lịch sử.

Được khởi động làm hồ sơ từ năm 2012, trong khoảng 13 năm qua, các cơ quan chức năng đã phối hợp với ICOMOS (đơn vị tư vấn chuyên môn của UNESCO) cùng các chuyên gia quốc tế để khảo sát và thẩm định thực địa tại Quảng Ninh, Hải Phòng (tỉnh Hải Dương cũ) và Bắc Ninh (tỉnh Bắc Giang cũ) - nơi tọa lạc quần thể di sản.

Theo hồ sơ đề cử, quần thể có tổng diện tích vùng lõi 525,75 ha, tổng diện tích vùng đệm là 4.380,19 ha. Trong đó, vùng lõi gồm 12 thành phần di sản chính, phản ánh đầy đủ các giai đoạn hình thành, lan tỏa và phục hưng của thiền phái Trúc Lâm.

12 thành phần trên gồm:

1. Chùa Hoa Yên, Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh: Trung tâm tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông, nơi hình thành Thiền phái Trúc Lâm.

2. Am Ngọa Vân, Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh: Nơi Phật hoàng nhập diệt, được coi là thánh địa thiêng liêng nhất của Thiền phái.

3. Thái Miếu, Quảng Ninh: Các điểm thiền định cổ trên tuyến hành hương Yên Tử, tiêu biểu cho thực hành tu tập giữa rừng thiêng.

4. Bãi cọc Bạch Đằng (Yên Giang), Quảng Ninh: Di tích lịch sử vật thể, phản ánh tư tưởng nhập thế và tinh thần bảo vệ hòa bình, độc lập dân tộc.

5. Chùa Lân (Long Động), Quảng Ninh: Trung tâm giảng pháp, đào tạo tăng tài, gắn với hoạt động tổ chức Phật sự của Trúc Lâm.

6. Chùa Côn Sơn, tỉnh Hải Dương cũ (nay là Hải Phòng): Nơi tu hành của Tam tổ Huyền Quang, trung tâm phát triển tư tưởng nhập thế của thiền phái.

7. Đền Kiếp Bạc, tỉnh Hải Dương cũ (nay là Hải Phòng): Gắn với Trần Hưng Đạo, biểu tượng kết hợp giữa hộ quốc an dân với tinh thần Phật giáo Trúc Lâm.

8. Chùa Thanh Mai, tỉnh Hải Dương cũ (nay là Hải Phòng): Nơi đây gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp của Thiền sư Pháp Loa, vị tổ thứ 2 của Thiền phái Trúc Lâm Tam tổ, khi ngài tu hành, biên soạn kinh, sách về đạo Phật lúc sinh thời.

9. Động Kính Chủ, tỉnh Hải Dương cũ (nay là Hải Phòng): Được ví là 'Nam thiên đệ lục động' tức động đẹp thứ sáu ở Việt Nam.

10. Chùa Nhẫm Dưỡng, tỉnh Hải Dương cũ (nay là Hải Phòng): Nơi tu hành của Hòa thượng Thủy Nguyệt, pháp hiệu Thông Giác Đạo Nam Thiền sư.

11. Chùa Bổ Đà, tỉnh Bắc Giang cũ (nay là Bắc Ninh): Nơi tu tập, đào tạo tăng chúng, nổi bật với hệ thống thư tịch cổ và vườn tháp độc đáo.

12. Chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang cũ (nay là Bắc Ninh): Trung tâm in khắc và lưu giữ hơn 3.000 mộc bản kinh Trúc Lâm, được UNESCO công nhận là di sản tư liệu thế giới.

Quần thể di tích là một cảnh quan văn hóa linh thiêng được quy hoạch đồng bộ với hàng trăm chùa, đền, tháp và di vật cổ, trải rộng trên 3 tỉnh, thành, gắn kết thành một thể thống nhất cả về không gian và tâm linh.

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Tháp tổ, Yên Tử. Đây là một trong những bảo vật quốc gia của Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Hùng
Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Tháp tổ, Yên Tử. Đây là một trong những bảo vật quốc gia của Quảng Ninh. Ảnh: Nguyễn Hùng

Đây là một hồ sơ đề cử liên tỉnh của Việt Nam, mang ý nghĩa đặc biệt về tôn giáo, văn hóa và lịch sử, đã tồn tại hơn 700 năm và trở thành một di sản văn hóa sống.

Nét độc đáo của Phật giáo Trúc Lâm là thiền phái Phật giáo duy nhất trên thế giới được sáng lập bởi một vị vua. Trúc Lâm dung hòa tư tưởng Phật giáo Đại thừa với Nho giáo, Đạo giáo, truyền thống văn hóa Việt và tín ngưỡng bản địa, tạo nên một bản sắc tinh thần và triết học độc đáo, thể hiện sự giao thoa hiếm có giữa tôn giáo, quản trị và văn hóa, đề cao các giá trị hòa bình, hòa hợp và hòa giải.

Ảnh hưởng của Trúc Lâm vượt khỏi phạm vi quốc gia, lan tỏa trong khu vực và toàn cầu. Hiện nay, Phật giáo Trúc Lâm có hơn 30 triệu tín đồ, 50.000 tăng ni và 15.000 ngôi chùa tại hơn 30 quốc gia như Hàn Quốc, Ấn Độ, Mỹ, Anh, Nhật Bản và nhiều nước khác. Tại Pháp, nổi bật có chùa Trúc Lâm Paris và tại Mỹ có giải thưởng Trần Nhân Tông về hòa bình.

https://laodong.vn/xa-hoi/chieu-nay-unesco-xem-xet-ghi-danh-quan-the-yen-tu-vinh-nghiem--con-son-kiep-bac-1539032.ldo

Nguyễn Hùng (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: