Thời sự
Cập nhật lúc 11:38 26/05/2025 (GMT+7)
Chim yến Cù Lao Chàm bỏ đảo, vào đất liền, khiến số lượng giảm báo động

Quảng Nam - Chim yến Cù Lao Chàm - biểu tượng sinh thái và nguồn gen quý hiếm đang suy giảm nghiêm trọng, khi số lượng đã giảm tới 13 lần trong 10 năm qua.

Nguy cơ tuyệt chủng yến Cù Lao Chàm

Cù Lao Chàm (Hội An, Quảng Nam) từng là “vương quốc” của loài chim yến đỏ quý hiếm - một trong hai phân loài chim yến có thể cho tổ ăn được tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Giám đốc Ban Quản lý và Khai thác yến sào Hội An, chỉ trong vòng 10 năm, sản lượng tổ yến khai thác tại đảo đã giảm từ hơn 1,3 tấn (năm 2014) xuống chỉ còn trên 1 tạ vào năm 2024 - tức giảm khoảng 13 lần.

“Tổng đàn chim yến hiện nay chỉ còn hơn 40.000 cá thể, trong khi trước đây từng lên tới hơn nửa triệu con. Mất mát này là rất lớn”, ông Hải cho biết.

Khai thác tổ chim yến trên đảo Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam. Ảnh: Trường An
Khai thác tổ chim yến trên đảo Cù Lao Chàm, Hội An, Quảng Nam. Ảnh: Trường An

Một trong những nguyên nhân chính là vùng kiếm ăn bị thu hẹp nghiêm trọng. “Trước đây, người dân trên đảo còn trồng lúa, hoa màu, tạo môi trường cho côn trùng – thức ăn tự nhiên của yến phát triển. Nhưng vài năm gần đây, người dân bỏ ruộng, khiến chim yến phải bay xa vào đất liền tìm mồi, và bị các nhà yến nhân tạo dẫn dụ không trở về đảo nữa”, ông Hải phân tích.

Theo Tiến sĩ Võ Tấn Phong, chuyên gia chim yến thuộc Ban Quản lý, ngoài yếu tố thức ăn, thì biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, mưa bão dồn dập, gió mạnh và độ ẩm cao trong hang đã làm môi trường sống tự nhiên trở nên bất lợi cho yến đảo. Dù tuổi thọ chim yến có thể lên đến 15–17 năm, nhưng tỉ lệ tử vong cao đang khiến tốc độ phục hồi đàn chậm một cách đáng báo động.

Thợ săn tại Quảng Nam dùng lưới “tàng hình” và thiết bị âm thanh giả tiếng kêu đồng loại để dẫn dụ chim yến mắc bẫy. Ảnh: Hoàng Bin
Thợ săn tại Quảng Nam dùng lưới “tàng hình” và thiết bị âm thanh giả tiếng kêu đồng loại để dẫn dụ chim yến mắc bẫy. Ảnh: Hoàng Bin

Một nguy cơ khác là sự cạnh tranh từ yến nhà - loài yến có xu hướng di cư từ phía Nam, phát triển mạnh nhờ sự đầu tư rầm rộ của các nhà nuôi yến trong đất liền.

“Yến đảo có tập tính rất chung thủy, ít thay đổi nơi làm tổ. Tuy nhiên, chim non nếu cảm thấy điều kiện đảo không phù hợp có thể rời đi. Đó là mất mát không thể bù đắp”, ông Phong nhận định.

Cần chiến lược bảo tồn cấp thiết

Điều đáng tiếc là yến sào Cù Lao Chàm lâu nay được đánh giá là loại ngon nhất Việt Nam. Theo phân tích, tổ yến đảo chứa hàm lượng acid sialic rất cao – khoảng 9% – đóng vai trò quan trọng trong tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ phát triển trí não, chống lão hóa và làm đẹp. Ngoài ra, tổ yến còn chứa hơn 18 loại acid amin thiết yếu như Proline, Glycine, Tyrosine, Arginine...

Chính vì vậy, yến sào Cù Lao Chàm được xuất thô sang các thị trường cao cấp như Hàn Quốc, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc) với giá bán lên đến 265 triệu đồng/kg loại 1. Tuy nhiên, dù giá trị cao, thì lợi nhuận không thể bù đắp sự mất mát về sinh thái và giống loài.

Tiến sĩ Võ Tấn Phong – Ban Quản lý và khai thác yến sào Hội An nhiều năm chăm sóc chim yến con, rồi tập bay trước khi trả lại môi trường tự nhiên, để giảm tỷ lệ hao hụt. Ảnh: Trường An
Tiến sĩ Võ Tấn Phong – Ban Quản lý và khai thác yến sào Hội An nhiều năm chăm sóc chim yến con, rồi tập bay trước khi trả lại môi trường tự nhiên, để giảm tỷ lệ hao hụt. Ảnh: Trường An

Trong nhiều năm qua, Ban Quản lý đã thực hiện các biện pháp như cứu hộ chim non rơi tổ, ấp trứng nhân tạo, dưỡng chim non trước khi thả về tự nhiên, song ông Trần Thanh Hải thừa nhận: “Lực lượng còn mỏng, điều kiện nghiên cứu trên đảo biển rất khó khăn, lại thêm công nghệ dẫn dụ yến trong đất liền ngày càng tinh vi, nên việc bảo vệ đàn yến gặp nhiều trở ngại”.

“Chúng tôi xác định bảo tồn loài yến là nhiệm vụ trọng tâm. Nhưng muốn đi sâu nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen, cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, nhà khoa học trong và ngoài tỉnh. Đây là tài sản thiên nhiên vô giá, không thể để mai một”, ông Hải nhấn mạnh.

Mỗi sáng sớm, từng đàn chim yến vẫn rời hang đá Cù Lao Chàm bay đi khắp biển trời Quảng Nam, Đà Nẵng tìm mồi, rồi trở về hang trú ngụ lúc hoàng hôn. Nhưng nếu không có hành động kịp thời, ngày trở về của chúng có thể sẽ không còn nữa.

https://laodong.vn/xa-hoi/chim-yen-cu-lao-cham-bo-dao-vao-dat-lien-khien-so-luong-giam-bao-dong-1512789.ldo

Nguyễn Hoàng (báo lao động)

In
Về đầu
Lượt truy cập: