Thời sự
Cập nhật lúc 05:10 14/05/2025 (GMT+7)
Chính phủ phải ban hành 25 nghị định để vận hành chính quyền địa phương 2 cấp

Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh dấu mốc lịch sử của nền lập pháp khi sẽ quyết định thay đổi mô hình chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp.

Chính phủ phải ban hành 25 nghị định để vận hành chính quyền địa phương 2 cấp
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà giải trình thêm các nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi. Ảnh: Quochoi.vn

Sáng 14.5, tại Kỳ họp thứ 9, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Theo Bộ trưởng, việc sửa đổi luật được xem là một dấu mốc lịch sử của nền lập pháp Việt Nam vì lần đầu tiên sau gần 80 năm kể từ ngày thành lập nước sẽ thay đổi mô hình tổ chức chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp.

Đây là một cuộc cải cách thể chế và hành chính toàn diện mang tính kiến tạo sâu sắc, phản ánh tầm nhìn chiến lược và quyết tâm đổi mới của Bộ Chính trị, Trung ương.

Việc này giúp chuyển từ bộ máy hành chính của chính quyền địa phương cồng kềnh, tầng nấc sang một hệ thống hành chính địa phương tinh gọn với mục tiêu gần dân, sát dân và phục vụ nhân dân tốt hơn.

Bộ trưởng cho biết, nguyên tắc và yếu tố xuyên suốt của dự thảo luật này tập trung vào việc xác lập chỉnh thể cấu trúc của chính quyền địa phương 2 cấp trên nền tảng tuân thủ một số điều có liên quan trong Hiến pháp đang được sửa đổi.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh phải phân định cho việc phân cấp, phân quyền và ủy quyền giữa Trung ương với địa phương, giữa cấp chính quyền địa phương với nhau. Từ đó làm cơ sở pháp lý để toàn bộ hệ thống pháp luật chuyên ngành sẽ sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới, thúc đẩy sự chủ động, năng động, sáng tạo của chính quyền địa phương theo phương châm để địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.

Nội dung quan trọng khác được Bộ trưởng nêu là minh định thẩm quyền, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương cho phù hợp với yêu cầu quản trị trong tình hình, giai đoạn mới.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc thiết lập đầy đủ, toàn diện cơ sở pháp lý để tháo gỡ tất cả những khó khăn, rào cản, vướng mắc cho việc chuyển đổi chính quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp.

"Phân cấp, phân quyền nhưng không buông lỏng và cũng là công cụ để bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng của người dân, lợi ích của Nhà nước", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Qua rà soát, Bộ trưởng cho biết hiện có 474 nhiệm vụ trong 104 luật và 249 nghị định, thông tư sẽ phân cấp cho chính quyền địa phương 140 nhiệm vụ. Qua đó phân định lại thẩm quyền cho chính quyền cấp xã 300 nhiệm vụ và 90/99 nhiệm vụ trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương hiện hành.

Bộ trưởng cho biết, dự thảo luật sẽ được tiếp thu để tăng cường được vai trò, hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân 2 cấp, đặc biệt là cấp xã.

Theo Bộ trưởng, ngay sau đây Chính phủ sẽ phải ban hành 25 nghị định để triển khai kịp thời khi dự án luật được Quốc hội bấm nút thông qua. Điều này nhằm triển khai kịp thời cho việc vận hành của chính quyền địa phương 2 cấp, phân cấp, phân quyền, ủy quyền cho chính quyền địa phương.

https://laodong.vn/thoi-su/chinh-phu-phai-ban-hanh-25-nghi-dinh-de-van-hanh-chinh-quyen-dia-phuong-2-cap-1506632.ldo

PHẠM ĐÔNG (báo lao động)

In
Về đầu
Lượt truy cập: