Thời sự
Cập nhật lúc 03:27 21/05/2025 (GMT+7)
Công chức khó tiếp cận nhà ở xã hội vì ràng buộc thuế thu nhập cá nhân

Theo đại biểu Quốc hội, nhu cầu về nhà ở xã hội của cán bộ, công chức rất nhiều nhưng khó tiếp cận vì ràng buộc thuế thu nhập cá nhân.

Công chức khó tiếp cận nhà ở xã hội vì ràng buộc thuế thu nhập cá nhân
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Diệu Thúy góp ý về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: Phạm Đông

Cơ sở nào để xác định giá đất khi không đấu thầu?

Ngày 21.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội (NƠXH).

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy - Phó Chủ tịch UBND TPHCM góp ý về nội dung liên quan đến giao đất không thông qua đấu thầu. Dự thảo luật mới chỉ đề xuất tạo điều kiện, cơ hội cho doanh nghiệp và các tổ chức được đầu tư xây dựng NƠXH, có chính sách mở là không qua đấu thầu.

Đại biểu băn khoăn cơ sở nào để xác định giá đất khi không đấu thầu. Đại biểu cho rằng khi doanh nghiệp muốn đầu tư, được giao đất thì sẽ phải tổ chức đấu thầu làm cơ sở được nhận đất xây NƠXH.

Bày tỏ hoan nghênh quy định này nhưng đại biểu đặt câu hỏi cơ sở nào để xác định giá đất ở khu vực đó để thu tiền của doanh nghiệp. Nội dung này cần được quy định, tính toán cho kỹ lưỡng.

Về điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH, đại biểu cho biết Luật Nhà ở quy định để được hưởng chính sách nhà ở rất khó. Trong đó cán bộ, công chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội là không được hưởng.

Đại biểu dẫn chứng điều luật quy định về chính sách được hưởng NƠXH là trong diện nhóm thu nhập thấp; nếu là công chức thì không đóng thuế thu nhập cá nhân. "Có công chức nào của TPHCM không đóng thuế thu nhập cá nhân đâu. Bởi họ còn được hưởng Nghị quyết của HĐND thành phố, được hưởng cơ chế chi tăng thêm nên sẽ trong diện đóng thuế thu nhập cá nhân", đại biểu nói.

Theo đại biểu, nhu cầu về NƠXH của cán bộ, công chức thành phố rất nhiều. Có 2 điểm về NƠXH mà thành phố chưa tháo gỡ được là không có nguồn nhà; nhóm được hưởng cũng khó đạt được mục tiêu được hưởng.

Nếu sau này nghị quyết đi vào thực hiện mà vẫn giữ nguyên quy định hiện hành thì cán bộ, công chức của TPHCM vẫn khó tiếp cận. Kể cả trường hợp tới đây khi sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu vào thành phố, làm việc ở nơi xa hơn 30 km nhưng vẫn không được bởi ràng buộc ở Luật Nhà ở.

Từ đó đại biểu đề nghị tính lại điều kiện về NƠXH dành cho cán bộ, công chức, người lao động.

Công chức xa chỗ làm 30km mới được mua NƠXH

Tại dự thảo nghị quyết đã quy định khi sáp nhập tỉnh, người được hưởng chính sách đã có nhà ở (đứng tên riêng) nhưng nhà đó cách nơi làm việc 30 km được mua, thuê mua NƠXH.

Đại biểu Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng việc quy định cứng nhắc bắt cán bộ, công chức nhà phải cách xa chỗ làm 30 km mới được mua, thuê mua NƠXH là chưa phù hợp, không hợp lý.

Đại biểu dẫn chứng người ở thành thị, đi làm 20-30 km mất 2-3 giờ đồng hồ, trong khi ở nông thôn điều kiện giao thông thuận lợi đi nhanh hơn.

Vì vậy đại biểu đề nghị cần có quy định cụ thể về tiêu chí hoàn cảnh gia đình, phân biệt giữa người độc thân và người đã có gia đình, đề xuất linh hoạt khoảng cách, thay vì tính khoảng cách, tính thời gian di chuyển giữa nơi ở và nơi làm việc.

Ngoài ra, linh hoạt cơ chế xét hoàn cảnh thực tế như người có nhà nhưng đang ở nhờ, sống chung với nhiều thế hệ, diện tích bình quân đầu người không đảm bảo yêu cầu tối thiểu.

https://laodong.vn/thoi-su/cong-chuc-kho-tiep-can-nha-o-xa-hoi-vi-rang-buoc-thue-thu-nhap-ca-nhan-1510393.ldo

PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: