Danh sách trụ sở 4 xã mới ở huyện Hoài Đức sau sắp xếp
Hà Nội - 4 xã mới của huyện Hoài Đức sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính đã có phương án trụ sở.
Danh sách trụ sở 4 xã mới ở huyện Hoài Đức sau sắp xếp. Ảnh: Hữu Chánh
Xã Hoài Đức được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Di Trạch, Đức Giang, Đức Thượng (thuộc huyện Hoài Đức); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của thị trấn Trạm Trôi và xã Kim Chung (thuộc huyện Hoài Đức); một phần diện tích tự nhiên và dân số của phường Tây Tựu (thuộc quận Bắc Từ Liêm) và xã Tân Lập (thuộc huyện Đan Phượng).
Dự kiến sử dụng trụ sở ở Huyện ủy, HĐND-UBND huyện Hoài Đức hiện nay làm trụ sở của Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xã Hoài Đức mới.
Lý do lấy tên xã mới là Hoài Đức: Địa danh Hoài Đức đã xuất hiện từ lâu. Theo sách “Việt sử thông giám cương mục” thì tên gọi Hoài Đức có từ năm 622 đời Đường, niên hiệu Vũ Đức do huyện Tống Bình tách ra làm 2 huyện: Giao Chỉ và Hoài Đức. Trải qua các thời kỳ lịch sử, tên gọi và địa giới của Hoài Đức biến đổi nhiều lần.
Như vậy, tên gọi Hoài Đức có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa phù hợp với nguyên tắc đặt tên đơn vị hành chính mới và việc khuyến khích đặt tên của xã, phường theo tên của đơn vị hành chính cấp huyện (trước sắp xếp).
Xã Dương Hòa được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Minh Khai, Dương Liễu, Cát Quế, Yên Sở, Đắc Sở (thuộc huyện Hoài Đức).
Dự kiến sử dụng trụ sở Đảng ủy, HĐND & UBND xã Yên Sở và xã Cát Quế hiện nay làm trụ sở của Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xã Dương Hòa mới.
Xã Sơn Đồng được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Sơn Đồng, Lại Yên, Tiền Yên (thuộc huyện Hoài Đức); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Vân Canh, Song Phương (thuộc huyện Hoài Đức) ; một phần diện tích tự nhiên và dân số của các xã: An Khánh, An Thượng, Vân Côn (Hoài Đức).
Dự kiến sử dụng trụ sở Đảng ủy, HĐND & UBND xã Tiền Yên và xã Lại Yên hiện nay làm trụ sở của Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xã Sơn Đồng mới.
Lý do lấy tên xã mới là Sơn Đồng: Xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức nằm ở ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm thủ đô khoảng chừng gần 20km về phía Tây, không chỉ nổi tiếng là đất khoa bảng mà còn được nhiều người trong và ngoài nước biết đến là một làng nghề làm đồ thờ và tượng gỗ.
Theo đó, việc lựa chọn tên Sơn Đồng bảo đảm phù hợp với nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ; đồng thời, tên Sơn Đồng giúp dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học.
Xã An Khánh được thành lập trên cơ sở nhập phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Vân Côn, An Thượng, An Khánh, La Phù, Đông La (thuộc huyện Hoài Đức); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các xã: Song Phương (thuộc huyện Hoài Đức) và phường Dương Nội (thuộc quận Hà Đông).
Dự kiến sử dụng trụ sở Đảng ủy, HĐND & UBND xã An Khánh và xã An Thượng làm trụ sở của Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xã An Khánh mới.
Lý do lấy tên xã mới là An Khánh: An Khánh là tên một trong số các xã thuộc huyện Hoài Đức. Việc lấy tên đơn vị hành chính mới là An Khánh bảo đảm nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ.
https://laodong.vn/xa-hoi/danh-sach-tru-so-4-xa-moi-o-huyen-hoai-duc-sau-sap-xep-1509026.ldo
KHÁNH AN (BÁO LAO ĐỘNG)