Thời sự
Cập nhật lúc 11:05 19/05/2025 (GMT+7)
Đề cao kinh tế tư nhân để cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác

Sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển không có nghĩa là cản trở hay xem nhẹ sự đóng góp của các thành phần kinh tế khác.

Nghị quyết 68-NQ/TW có một chữ được thảo luận khá nhiều. Đó là chữ “một” trong câu: “Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”.

Hiện nay, đóng góp vào nền kinh tế có 4 thành phần, bao gồm: Kinh tế Nhà nước, kinh tế tư nhân, kinh tế tập thể và khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Theo thống kê năm 2024, kinh tế tư nhân đóng góp 51% GDP, kinh tế Nhà nước đóng góp khoảng 25% GDP, khu vực FDI đóng góp hơn 20% và kinh tế tập thể đóng góp khoảng 4,5% GDP.

Khi Nghị quyết 68 ra đời, trên nhiều diễn đàn mạng, các thế lực thù địch, tổ chức phản động lưu vong và số đối tượng chống đối đã cố tình hiểu sai và rêu rao rằng: Đảng đang coi kinh tế tư nhân là số một và xem nhẹ, thậm chí phủ nhận đóng góp của các thành phần kinh tế khác trong quá trình phát triển.

Đây rõ ràng là những luận điệu sai trái, xuyên tạc Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

Các văn kiện của Đảng, đặc biệt là văn kiện Đại hội XIII nêu rất rõ vai trò, vị trí của các thành phần kinh tế. Trong đó, kinh tế nhà nước có vai trò định hướng, điều tiết, dẫn dắt thúc đẩy phát triển kinh tế; Kinh tế tập thể có vai trò cung cấp dịch vụ cho các thành viên; liên kết, phối hợp sản xuất kinh doanh; Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài có vai trò lớn trong huy động nguồn vốn đầu tư, công nghệ, phương thức quản lý hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Kinh tế tư nhân được khuyến khích phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm, nhất là trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh, dịch vụ, được hỗ trợ phát triển thành các công ty, tập đoàn kinh tế tư nhân mạnh, có sức cạnh tranh cao.

Nghị quyết 68 là Nghị quyết được phát triển và làm sâu sắc hơn các quan điểm của Đảng, đi vào những vấn đề cụ thể của kinh tế tư nhân, nhấn mạnh vào các giải pháp như cắt giảm phiền hà về giấy phép thủ tục; tăng sự bảo vệ, an toàn cho doanh nghiệp - doanh nhân và khơi thông nguồn lực.

Kinh tế tư nhân cùng với kinh tế Nhà nước và kinh tế tập thể giữ vai trò nòng cốt xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập quốc tế hiệu quả. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển theo hướng có chọn lọc, xanh hóa, đi sâu vào chất lượng và công nghệ.

Nghị quyết 68 nêu rõ quan điểm: “Bảo đảm kinh tế tư nhân cạnh tranh bình đẳng với các thành phần kinh tế khác trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và các nguồn lực của nền kinh tế”.

Như vậy quan điểm của Đảng đã rõ: Đề cao, tạo điều kiện để khơi thông nguồn lực kinh tế tư nhân, đồng thời tiếp tục phát huy được lợi thế, vai trò của các thành phần kinh tế khác chính. Đây chính là con đường phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và cũng là con đường hiệu quả để huy động vốn, phát triển khoa học - công nghệ, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, đưa đất nước phát triển mạnh mẽ hơn. 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/de-cao-kinh-te-tu-nhan-de-canh-tranh-binh-dang-voi-cac-thanh-phan-kinh-te-khac-1508152.ldo 

Hoàng Lâm (báo lao động)

In
Về đầu
Lượt truy cập: