Điện Biên lý giải việc cấm người dân vào sân vận động tập thể dục
Điện Biên - Việc sân vận động tỉnh đóng cửa, không cho người dân vào tập thể dục, đi bộ đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều.
Sân vận động tỉnh Điện Biên cấm người dân vào tập thể dục từ đầu tháng 5.2025. Ảnh: Quang Đạt
Sân vận động tỉnh Điện Biên từ lâu đã trở thành địa điểm quen thuộc để người dân phường Điện Biên Phủ và các khu vực lân cận rèn luyện sức khỏe mỗi buổi sáng và chiều.
Không gian rộng rãi là lý do nơi đây thu hút đủ mọi lứa tuổi đến tập thể dục. Việc sân vận động "cấm cửa" đã khiến nhiều người không khỏi hụt hẫng.
Việc đóng cửa sân vận động sẽ giúp việc tập luyện của vận động viên chuyên nghiệp hơn. Ảnh: Quang Đạt
Chị V.K.A - một người dân thường xuyên chạy bộ tại khu vực sân vận động cho biết: “Bình thường, mọi người dân ở nhiều nơi vẫn về đây đi bộ, tập thể dục nhưng kể từ đợt tháng 3 - dịp tổ chức sự kiện đến giờ - họ khoá chặt cổng lại, người dân không vào trong sân vận động tập được nữa”.
Khu vực cổng phụ sân vận động tỉnh Điện Biên. Ảnh: Quang Đạt
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về vấn đề này, ông Phạm Trung Hiếu - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên) cho biết, việc cấm người dân vào sân vận động tập luyện tự do đã được cân nhắc từ lâu và chính thức áp dụng từ đầu tháng 5.2025.
Người dân và vận động viên hoạt động thể thao tại sân vận động tỉnh Điện Biên, ảnh chụp tháng 2.2025. Ảnh: Thu Thảo
Theo lãnh đạo Trung tâm, khi sân vận động mở cửa tự do, nhiều người dân vào, từ cán bộ, người già, trẻ nhỏ đến cả những đối tượng có mục đích xấu.
"Thời điểm chưa cấm, hiện tượng mất xe của học sinh, mất mũ bảo hiểm, thậm chí mất cả điện thoại di động khá phổ biến. Đặc biệt, khi vào những dịp tổ chức sự kiện chính trị lớn của tỉnh, việc quản lý an ninh gặp nhiều khó khăn" - ông Hiếu nói.
Sân vận động do Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao quản lý. Ảnh: Quang Đạt
Trao đổi với Lao Động, một vận động viên tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu Thể dục thể thao cho hay: “Khi sân mở cửa tự do, việc tập luyện của vận động viên gặp nhiều chở ngại. Người thiếu ý thức dắt cả chó, mèo vào sân, thậm chí có người còn đi cả xe đạp vào đường pitch, rất nguy hiểm cho vận động viên đang chạy ở tốc độ cao”.
Cũng theo ông Phạm Trung Hiếu, nhân lực của trung tâm vốn chỉ để tuyển chọn, đào tạo chuyên môn, huấn luyện vận động viên thể thao. Lực lượng bảo vệ chỉ có một người, không thể kiểm soát hết các cửa ra vào. Do đó, không thể thuê thêm người dọn dẹp vệ sinh hàng ngày trên một khuôn viên rộng lớn.
Toàn cảnh sân vận động tỉnh Điện Biên. Ảnh: Quang Đạt
Giám đốc Trung tâm nhấn mạnh: "Điền kinh là môn thể thao mũi nhọn của tỉnh. Các vận động viên khi tập luyện, đặc biệt là các nội dung tốc độ, cần một đường chạy thông thoáng và an toàn tuyệt đối. Đã có hiện tượng vận động viên đang chạy tốc độ cao va chạm với người dân đi bộ, gây ảnh hưởng đến tâm lý và thành tích thi đấu".
Theo đó, việc đóng cửa sân sẽ tạo ra một môi trường tập luyện chuyên nghiệp, giúp các vận động viên yên tâm cống hiến.
Ông Hiếu cho biết thêm, qua tham khảo các địa phương, tất cả sân vận động cấp tỉnh đều không mở cửa tự do.
“Ngoài vận động viên của trung tâm, khi tập luyện tại sân vận động tỉnh, các câu lạc bộ/nhóm phải đăng ký hoạt động theo giờ quy định” - Giám đốc Trung tâm cho hay.
Một chương trình nghệ thuật được tổ chức tại sân vận động tỉnh Điện Biên vào đầu tháng 5.2025. Ảnh: Quang Đạt
Trước đó, trong năm 2024, dự án sửa chữa sân vận động tỉnh Điện Biên được đầu tư 14 tỉ đồng, để phục vụ Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Từ đó, sân vận động có sức chứa 10 nghìn người này tiếp tục được phục vụ sự kiện văn hóa nghệ thuật quy mô lớn, chào mừng sự kiện trọng đại của đất nước và tỉnh Điện Biên.
https://laodong.vn/xa-hoi/dien-bien-ly-giai-viec-cam-nguoi-dan-vao-san-van-dong-tap-the-duc-1537928.ldo
NHÓM PV (BÁO LAO ĐỘNG)