Thời sự
Cập nhật lúc 04:45 08/05/2025 (GMT+7)
Gỡ vướng tín dụng xanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

"Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) muốn vay tín dụng xanh nhưng thiếu sẵn sàng về năng lực như hồ sơ tài chính ESG và tài sản bảo đảm. DNNVV đang rất cần hệ sinh thái tài chính táo bạo và linh hoạt hơn" TS. Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội (Hanoisme) trao đổi trong buổi phỏng vấn với Báo Lao Động.

Gỡ vướng tín dụng xanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
TS. Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội. Ảnh: Tuyết Lan

Xin ông đánh giá mức độ DNNVV sẵn sàng chuyển đổi xanh và nhu cầu tiếp cận tín dụng xanh?

- Nhiều DNNVV Việt Nam đã sẵn sàng chuyển đổi xanh. Điều họ cần là hệ sinh thái tài chính táo bạo và linh hoạt hơn: Chuẩn định nghĩa thống nhất, định giá đúng tài sản mới, chia sẻ rủi ro hệ thống và hỗ trợ chi phí tuân thủ. Khi đó, vốn xanh sẽ thật sự “xanh” - chảy đến đúng nơi tạo ra giá trị kinh tế và môi trường.

Nhiều DNNVV muốn vay tín dụng xanh nhưng không sẵn sàng về năng lực: Hồ sơ tài chính ESG và tài sản bảo đảm. Thị trường vốn xanh đang mở nhưng khung pháp lý, sản phẩm bảo lãnh và cách định giá dòng tiền chưa đủ nhanh so với nhu cầu. Nói cách khác, người đi vay đã nóng lòng, nhưng “hành trang và con đường” còn ngổn ngang.

Thưa ông, hiện nay doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp phải những rào cản nào khi tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng và các tổ chức tài chính?

- Hiện nay quy mô tín dụng xanh còn mỏng, dù tăng nhanh. Tính tới cuối năm 2024, dư nợ tín dụng xanh của cả nước khoảng 680.000 tỉ đồng, chiếm hơn 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Số liệu này cho thấy “chiếc bánh” vẫn khá nhỏ so với nhu cầu thị trường. Đặc biệt, tiêu chí và khung phân loại chưa thống nhất. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới ban hành kế hoạch hành động và đang hoàn thiện danh mục phân loại xanh theo chuẩn quốc tế. Trong lúc chờ hướng dẫn chi tiết, mỗi ngân hàng tự định nghĩa xanh, dẫn tới quy trình thẩm định kéo dài và tốn kém cho cả ngân hàng lẫn doanh nghiệp.

Rủi ro nhận thức cao, chi phí vốn lớn khi dự án nông nghiệp sạch, kinh tế tuần hoàn thường có thời gian hoàn vốn dài, dòng tiền mùa vụ thất thường, khiến hệ số rủi ro nội bộ của ngân hàng cao hơn khoản vay truyền thống. Doanh nghiệp thiếu dữ liệu và năng lực lập hồ sơ. Nhiều DNNVV chưa có kế toán xanh, báo cáo khí thải, chứng chỉ bền vững… nên khó chứng minh hiệu quả môi trường - xã hội để được xếp hạng ưu đãi.

Độ sâu của thị trường vốn xanh hạn chế khi trái phiếu xanh, quỹ đầu tư tác động và các kênh blended-finance ở Việt Nam còn ít. Chính vì vậy, doanh nghiệp phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng. Việt Nam cần khẩn trương ban hành khung phân loại xanh cấp quốc gia, hoàn thiện hướng dẫn quản lý rủi ro môi trường (tương tự Basel IV về khí hậu) đồng thời khuyến khích ngân hàng sử dụng mô hình “cash-flow lending” và quỹ bảo lãnh tín dụng xanh để san sẻ rủi ro.

Thưa ông, nhiều DNNVV cho biết họ gặp khó khăn trong tiếp cận tín dụng xanh vì không đủ tài sản thế chấp. Hoặc trong một số lĩnh vực đặc thù - như nông nghiệp, sản xuất xanh - thì tài sản thế chấp không được ngân hàng chấp nhận. Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này và cần giải pháp gì để tháo gỡ?

- Nguyên nhân gốc của thực trạng này là do định giá tài sản đặc thù còn vướng mắc. Trong tài sản đặc thù có đất nông nghiệp, lồng bè nuôi thủy sản, máy móc chế biến tái chế… chưa có khung định giá chuẩn, ngân hàng khó chấp nhận làm tài sản đảm bảo. Ví dụ doanh nghiệp nuôi cá biển khẳng định “lồng bè không được nhận thế chấp” nên mất cơ hội vay mở rộng. NHNN và Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang ban hành chuẩn định giá tài sản xanh/tuần hoàn. Đồng thời cho phép đăng ký giao dịch bảo đảm cho tài sản lưu động và quyền khai thác (sổ tay đất nông nghiệp, hợp đồng mua điện, tín chỉ carbon).

Thứ hai, thiếu quỹ bảo lãnh và cơ chế chia sẻ rủi ro. Quỹ bảo lãnh DNNVV địa phương chưa đủ vốn; bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm dự án carbon còn trong giai đoạn thí điểm 80% hồ sơ bị từ chối vì “thiếu tài sản, không có bảo lãnh”.

Thứ ba, ngân hàng đang quen “cho vay tài sản”, chưa chuyển sang “cho vay dòng tiền”. Đơn cử, doanh thu theo mùa của nông nghiệp sạch bị coi là “biến động”. Chúng ta đã có thí điểm cash-flow lending chấp nhận dòng tiền ký hợp đồng bao tiêu, PPA điện mặt trời trên mái, hợp đồng carbon credit; chuẩn hóa bằng hướng dẫn NHNN (2025).

Hiện nay, chi phí tuân thủ và kiểm toán xanh cao SMEs tốn 2-3% doanh thu/năm cho chứng chỉ, kiểm toán. Giải pháp là Nhà nước hỗ trợ 50% phí kiểm toán xanh lần đầu. Triển khai nền tảng số miễn phí báo cáo ESG cho DNNVV.

Xin cảm ơn ông!

https://laodong.vn/kinh-doanh/go-vuong-tin-dung-xanh-cho-doanh-nghiep-nho-va-vua-1503242.ldo

Tuyết Lan thực hiện - BÁO LAO ĐỘNG

In
Về đầu
Lượt truy cập: