Hướng tới khám chữa bệnh miễn phí: Cần hành lang pháp lý vững chắc
Để hiện thực hóa chủ trương khám chữa bệnh miễn phí, cần xây dựng một hành lang pháp lý đủ mạnh, kiểm soát chặt chẽ quỹ BHYT và có chiến lược quản trị hiệu quả.
Chủ trương tiến tới khám chữa bệnh miễn phí cho toàn dân là định hướng đầy nhân văn. Trong ảnh là các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đang khám bệnh và tư vấn cho người dân. Ảnh: BVCC
Quỹ bảo hiểm kết dư: Cơ hội mở rộng quyền lợi người dân
GS.TS Trần Văn Thuấn, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia cho biết, đến hết năm 2023, quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) đã kết dư 40.000 tỉ đồng và dự kiến sẽ tiếp tục tăng thêm.
Theo ông Thuấn, Bộ Y tế đang định hướng sửa đổi toàn diện Luật BHYT nhằm cụ thể hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc từng bước tiến tới khám chữa bệnh miễn phí cho toàn dân.
Trong dự thảo sửa đổi, nhiều nội dung quan trọng được đưa ra, đặc biệt là mở rộng phạm vi chi trả đối với các dịch vụ sàng lọc, phát hiện sớm bệnh tật – yếu tố then chốt trong việc nâng cao chất lượng sống và giảm gánh nặng chi phí y tế dài hạn.
Tính đến cuối năm 2024, tỉ lệ bao phủ BHYT tại Việt Nam đạt 94,2% dân số – một con số ấn tượng, thể hiện nỗ lực bền bỉ của cả hệ thống chính sách và địa phương trong phổ cập an sinh. Đáng chú ý, quỹ BHYT vẫn đang duy trì được cân đối thu – chi, với phần kết dư ổn định.
Theo Điều 35 Luật BHYT sửa đổi năm 2024, quỹ này đang phân bổ 92% cho chi trả khám chữa bệnh, 8% còn lại dùng cho dự phòng và hoạt động quản lý. Về lý thuyết, phần kết dư có thể được sử dụng để tăng quyền lợi, đặc biệt cho các nhóm yếu thế như trẻ em, người cao tuổi, người nghèo…
Trao đổi với PV, luật sư Hoàng Văn Hà - Công ty Luật ARC Hà Nội, Đoàn Luật Sư Hà Nội nhận định: “Chủ trương tiến tới miễn phí khám chữa bệnh cho người dân là định hướng đúng đắn, phù hợp với Điều 38 Hiến pháp năm 2013 – nơi ghi nhận quyền được chăm sóc sức khỏe là quyền cơ bản của mọi công dân. Tuy nhiên, cần có đánh giá kỹ lưỡng về tính khả thi, nhất là về tài chính và quản lý”.
Luật sư Hoàng Văn Hà - Công ty Luật ARC Hà Nội. Ảnh: Đức Vân
Một thực tế được chỉ ra là tốc độ tăng chi BHYT những năm qua luôn cao hơn tốc độ tăng thu. Nếu không có chiến lược kiểm soát chi hợp lý, phần kết dư hiện tại có thể nhanh chóng cạn kiệt. Bài toán đặt ra là làm sao để vừa mở rộng quyền lợi, vừa đảm bảo an toàn quỹ trong dài hạn.
Từ chính sách nhân văn đến hành lang pháp lý vững chắc
Theo luật sư Hoàng Văn Hà, để tiến tới mục tiêu khám chữa bệnh miễn phí toàn dân, Việt Nam cần một hành lang pháp lý chặt chẽ và một lộ trình cải cách mang tính chiến lược. Trong đó, việc sửa đổi Luật BHYT không chỉ dừng lại ở việc thay đổi câu chữ pháp luật, mà còn là sự thay đổi về tư duy tiếp cận trong quản lý sức khỏe cộng đồng.
Trước hết, cần cải tiến cơ chế đóng góp để bảo đảm công bằng. Hiện nay, mức đóng BHYT chủ yếu dựa theo lương cơ sở – một công thức không phản ánh đúng thu nhập thực tế, đặc biệt là đối với lao động tự do, thời vụ. Việc điều chỉnh theo thu nhập thực tế, như mô hình nhiều nước đã áp dụng, sẽ giúp phân bổ trách nhiệm tài chính hợp lý hơn giữa các nhóm dân cư, đồng thời tăng tính bền vững của quỹ.
"Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế từ các nước như Canada, Anh, Thụy Điển – nơi đã thực hiện mô hình khám chữa bệnh miễn phí từ nhiều năm. Tuy nhiên, điểm chung của các quốc gia này là có nền kinh tế phát triển, hệ thống thuế cao và đặc biệt là cơ chế quản lý minh bạch, hiệu quả. Việt Nam muốn áp dụng mô hình tương tự, cần đặt ra lộ trình phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại, tránh việc nóng vội dẫn đến quá tải hệ thống y tế hoặc mất cân đối tài chính" - luật sư Hà nhấn mạnh.
Một điểm yếu hiện nay được chuyên gia chỉ ra là quy trình cập nhật danh mục thuốc, kỹ thuật và phác đồ điều trị được BHYT chi trả còn chậm chạp. Nhiều kỹ thuật tiên tiến, máy móc hiện đại chưa được đưa vào sử dụng rộng rãi do thiếu cơ chế cập nhật linh hoạt. Giải pháp đặt ra là cần quy định tần suất cập nhật cụ thể (theo quý hoặc năm), thành lập Hội đồng kỹ thuật độc lập, cho phép các bệnh viện lớn được thí điểm kỹ thuật mới trước khi nhân rộng toàn quốc.
Cùng với đó, cần có mô hình bảo hiểm y tế đa tầng: Bảo đảm khám chữa bệnh cơ bản miễn phí cho toàn dân, kết hợp với các gói bảo hiểm bổ sung tự nguyện cho người có nhu cầu cao hơn. Đây là hướng đi khả thi, vừa bảo đảm tính nhân văn, vừa giúp người dân chủ động lựa chọn mức độ bảo vệ phù hợp với khả năng tài chính cá nhân.
Một vấn đề nữa là tình trạng trục lợi BHYT – từ việc kê khai sai bệnh án đến việc lập hồ sơ thanh toán khống. Việc sửa luật cần tăng chế tài xử lý nghiêm các hành vi gian lận, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào việc giám sát chi phí khám chữa bệnh. Dữ liệu y tế cần được đồng bộ giữa ngành bảo hiểm, thuế, ngân hàng để kiểm soát thu nhập và tránh thất thoát quỹ.
https://laodong.vn/xa-hoi/huong-toi-kham-chua-benh-mien-phi-can-hanh-lang-phap-ly-vung-chac-1506907.ldo
Đức Vân (BÁO LAO ĐỘNG)