Khi hợp nhất Quảng Bình và Quảng Trị, bí thư xã không là người địa phương
Quảng Bình - Chủ trương bố trí bí thư cấp xã không phải người địa phương nhằm tránh cục bộ, tăng minh bạch, đảm bảo hiệu quả lãnh đạo sau sáp nhập.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lê Ngọc Quang phát biểu tại Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo Hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Ảnh: Xuân Hiếu
Bố trí cán bộ cấp xã hiệu quả
Ông Lê Ngọc Quang - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình, Trưởng Ban Chỉ hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị - vừa ký ban hành Kết luận số 06-KL/BCĐ tại Hội nghị lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo đã thống nhất thông qua dự thảo quy chế làm việc, phân công nhiệm vụ các thành viên và quyết định thành lập 2 Tổ giúp việc. Giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình chủ trì, phối hợp Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Trị tiếp thu ý kiến hội nghị để hoàn thiện, trình Trưởng Ban Chỉ đạo ký ban hành.
Trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo yêu cầu tiếp tục triển khai đồng bộ, bài bản các nội dung, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm.
Về công tác cán bộ, cần đảm bảo bố trí, sắp xếp đội ngũ cấp xã sau sáp nhập đúng quy định, gắn với yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu lực lãnh đạo, điều hành. Cán bộ cấp huyện hiện nay sẽ là lực lượng nòng cốt tại các xã, phường mới. Phấn đấu bố trí bí thư cấp xã không là người địa phương; ưu tiên cán bộ trẻ, nữ, người dân tộc thiểu số. Việc sắp xếp cán bộ cấp xã phải hoàn thành trước ngày 1.7.2025.
Đảm bảo minh bạch trong sáp nhập
Đồng thời, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Quảng Bình chủ trì xây dựng đề án thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Trị mới trên cơ sở hợp nhất. Tổ chức rà soát, xây dựng phương án nhân sự đảm bảo khách quan, minh bạch, tránh tư tưởng cục bộ, “lợi ích nhóm”. Các chức danh chủ chốt sẽ được giới thiệu theo đúng quy trình của Trung ương.
Về cơ sở vật chất, yêu cầu Đảng ủy UBND hai tỉnh phối hợp tổng rà soát, đánh giá thực trạng trụ sở, tài sản công; đề xuất phương án bố trí, hoán đổi, sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí. Trường hợp cần thiết có thể cho nhiều cơ quan sử dụng chung trụ sở hoặc bố trí bộ phận làm việc tại tỉnh Quảng Trị hiện nay. Nhà công vụ cho cán bộ từ Quảng Trị ra làm việc tại Đồng Hới cũng được tính toán kỹ.
Các trụ sở dôi dư sẽ được xử lý theo quy định pháp luật, ưu tiên chuyển đổi công năng phục vụ cộng đồng như: trường học, y tế, thư viện, thiết chế văn hóa, công viên…
Song song, các sở, ngành hai tỉnh cần phối hợp xây dựng phương án sáp nhập cơ quan chuyên môn; đảm bảo điều kiện làm việc không bị gián đoạn, nhất là trong các lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Trị được giao chủ trì phương án hợp nhất Sở Ngoại vụ.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai tỉnh được giao chỉ đạo rà soát đội ngũ cán bộ; khuyến khích cán bộ đủ điều kiện nghỉ hưu trước tuổi nếu có nguyện vọng. Việc này vừa bảo đảm quyền lợi cá nhân, vừa góp phần tinh gọn bộ máy sau hợp nhất.
Đối với công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị nhiệm kỳ 2025–2030, nhiệm vụ quan trọng là khẩn trương xây dựng văn kiện Đại hội. Giao Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo phối hợp xây dựng Báo cáo chính trị, trong đó đánh giá kết quả nhiệm kỳ 2020–2025 và xác định mục tiêu, giải pháp giai đoạn 2025–2030. Văn kiện cần súc tích, cô đọng, thể hiện rõ định hướng phát triển sau hợp nhất.
Trên cơ sở nội dung kết luận, Ban Chỉ đạo đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan khẩn trương triển khai, bảo đảm tiến độ, chất lượng, góp phần thực hiện thành công việc hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Quảng Bình và tỉnh Quảng Trị – một chủ trương lớn, có ý nghĩa chiến lược trong cải cách bộ máy, nâng cao hiệu quả quản trị nhà nước, phát triển bền vững khu vực Bắc Trung Bộ.
https://laodong.vn/thoi-su/khi-hop-nhat-quang-binh-va-quang-tri-bi-thu-xa-khong-la-nguoi-dia-phuong-1513811.ldo
CÔNG SÁNG (BÁO LAO ĐỘNG)