Thời sự
Cập nhật lúc 11:27 11/07/2025 (GMT+7)
Khó quản lý việc kinh doanh thực phẩm chức năng trên mạng xã hội

Sơn La - Việc kinh doanh, quảng cáo thực phẩm chức năng vi phạm pháp luật, đặc biệt trên mạng xã hội tại Sơn La diễn biến phức tạp, khó quản lý.

Khó quản lý việc kinh doanh thực phẩm chức năng trên mạng xã hội
Lực lượng chức năng tỉnh Sơn La tiến hành kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc, thực phẩm chức năng trên địa bàn. Ảnh: Minh Nguyễn

Trong 6 tháng đầu năm 2025, toàn tỉnh Sơn La đã triển khai 143 đoàn thanh tra, kiểm tra 627 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, số cơ sở bị xử phạt chỉ là 4, với tổng số tiền phạt 17 triệu đồng – con số được cho là còn quá khiêm tốn so với thực tế vi phạm.

Cùng thời gian trên, tại tỉnh Sơn La đã ghi nhận 2 vụ ngộ độc thực phẩm khiến nhiều người nhập viện, trong đó có 1 trường hợp tử vong.

Theo bà Tráng Thị Xuân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La – công tác quản lý an toàn thực phẩm hiện vẫn còn chồng chéo và thiếu hiệu quả. Mô hình quản lý chưa thống nhất, đang phân tán giữa ba ngành: Y tế, Nông nghiệp và Môi trường, Công Thương.

Hệ thống văn bản pháp luật liên quan được ban hành từ nhiều cơ quan khác nhau, thiếu đồng bộ, khiến cán bộ cơ sở lúng túng trong quá trình tra cứu, áp dụng. Tỉ lệ sản phẩm đạt chuẩn an toàn thực phẩm so với tổng lượng hàng hóa lưu thông vẫn còn thấp.

Đáng lưu ý, một số nhóm sản phẩm chưa có quy định cụ thể về giới hạn ô nhiễm, khiến việc xây dựng tiêu chuẩn và thực hiện hậu kiểm gặp không ít trở ngại.

Hoạt động tập huấn, bồi dưỡng kiến thức an toàn thực phẩm cũng chưa có khung tài liệu và bộ công cụ đánh giá thống nhất. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh lúng túng khi tự tổ chức tập huấn, dẫn đến hiệu quả tuyên truyền, phổ biến kiến thức chưa cao.

“Việc quảng cáo, buôn bán thực phẩm chức năng trái phép trên mạng xã hội diễn biến rất phức tạp, khó kiểm soát, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng và môi trường kinh doanh lành mạnh” - bà Xuân nhấn mạnh.

Để siết chặt quản lý, từ ngày 20.5 đến 20.6, Sơn La triển khai tháng cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Qua kiểm tra 67 cơ sở kinh doanh, lực lượng chức năng đã xử phạt 30 cơ sở vi phạm với tổng số tiền gần 350 triệu đồng, buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá gần 34 triệu đồng.

Song, nhiều ý kiến cho rằng nếu không có giải pháp quyết liệt hơn và cơ chế phối hợp thống nhất, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm sẽ tiếp tục gặp khó khăn.

https://laodong.vn/kinh-doanh/kho-quan-ly-viec-kinh-doanh-thuc-pham-chuc-nang-tren-mang-xa-hoi-1538206.ldo

NGUYỄN TRƯỜNG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: