Thời sự
Cập nhật lúc 03:06 19/05/2025 (GMT+7)
Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Nghị quyết 68-NQ/TW quy định không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp.

Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp
Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh việc không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: Hải Nguyễn.

Sáng nay (18.5), Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết số 66-NQ/TW, ngày 30.4.2025 của Bộ Chính trị về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới và Nghị quyết số 68-NQ/TW, ngày 4.5.2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN).

Trình bày chuyên đề tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Nghị quyết đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp thể hiện tinh thần đổi mới, đột phá, cải cách mạnh mẽ, bảo đảm bám sát 3 đột phá chiến lược (về thể chế, nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng) và trong tổng thể 4 Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị.

Nội dung trọng tâm của 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp là nhằm giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách nhất đối với phát triển KTTN hiện nay.

Trong đó, đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của KTTN và bảo đảm thực thi hợp đồng của KTTN

Nhóm nhiệm vụ, giải pháp này nhằm giải quyết triệt để, hiệu quả vấn đề thể chế, không để thể chế tiếp tục là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, mà là động lực thúc đẩy mạnh mẽ KTTN phát triển.

Tinh thần đặt ra là phải đổi mới tư duy xây dựng và thực thi pháp luật; xoá bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm"; khắc phục triệt để tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu nhất quán giữa các bộ, ngành, địa phương.

Đặc biệt, phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự để củng cố niềm tin của doanh nghiệp, doanh nhân, thúc đẩy phát triển KTTN.

Theo Thủ tướng Chính phủ, cần tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm.

Bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.

Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.

Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp. Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án.

Bảo đảm giá trị niêm phong, kê biên, tạm giữ, phong toả tương ứng với dự kiến hậu quả thiệt hại trong vụ án.

Phân biệt rõ tài sản hình thành hợp pháp với tài sản có được từ hành vi vi phạm pháp luật, tài sản khác liên quan đến vụ án; giảm thiểu tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

https://laodong.vn/thoi-su/khong-hoi-to-cac-quy-dinh-phap-luat-de-xu-ly-bat-loi-cho-doanh-nghiep-1508660.ldo 

ANH HUY (báo lao động)

In
Về đầu
Lượt truy cập: