Khuyến khích nhập quốc tịch Việt Nam nhưng không để lợi dụng chính sách
Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh chủ trương khuyến khích nhập quốc tịch Việt Nam nhưng cần bổ sung quy định để ngăn tình trạng lợi dụng chính sách.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ góp ý về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam. Ảnh: Phạm Đông
Chiều 17.5, Quốc hội dành thời gian thảo luận tại tổ về nhiều dự án luật, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quốc tịch Việt Nam.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ - Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an - cho biết, luật pháp hiện hành còn thiếu cơ chế đủ mạnh mẽ để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ cộng đồng người Việt trên toàn cầu đóng góp vào sự phát triển của đất nước.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ đề nghị quy định rõ các nội dung cơ bản liên quan đến việc xác định nghĩa vụ của công dân Việt Nam khi đồng thời mang quốc tịch nước ngoài.
Ông cho rằng, nội dung quy định trong dự thảo luật nới lỏng chính sách cho nhập/trở lại quốc tịch Việt Nam đồng thời giữ quốc tịch nước ngoài, đơn giản hóa các thủ tục xin nhập/xin trở lại quốc tịch Việt Nam có thể gây ra những khó khăn trong công tác quản lý.
Đơn cử như, khi người Việt Nam nhập cảnh bằng hộ chiếu nước ngoài, thông tin nhập cảnh sẽ là thông tin của người nước ngoài. Do đó, họ phải thực hiện khai báo tạm trú theo quy định, thời gian lưu trú tại Việt Nam sẽ theo thời hạn chứng nhận tạm trú và các hoạt động phải tuân theo mục đích nhập cảnh.
Nếu những người này vi phạm thời hạn tạm trú, cư trú kéo dài hoặc không thực hiện các trách nhiệm như: khai báo tạm trú, hoạt động sai mục đích nhập cảnh..., việc xử lý vi phạm sẽ gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là trong trường hợp áp dụng hình thức xử phạt trục xuất.
Ngoài ra, trong các lĩnh vực như đầu tư, ngân hàng, thuế..., cũng có thể xảy ra tình trạng tương tự nếu công dân Việt sử dụng hộ chiếu nước ngoài để đăng ký thực hiện các thủ tục.
Do vậy, cần bổ sung cơ chế giải quyết các vấn đề phát sinh, tác động tiêu cực đến công tác bảo vệ an ninh quốc gia, quản lý công dân, vấn đề xung đột pháp lý và xử lý vi phạm đối với công dân Việt đồng thời có quốc tịch nước ngoài.
Từ đó, bảo đảm yêu cầu không để các đối tượng lợi dụng việc trở lại quốc tịch Việt Nam nhằm đổi lại tài sản hoặc các quyền lợi khác, lợi dụng vấn đề “song tịch” để trốn tránh nghĩa vụ, trách nhiệm công dân Việt Nam cũng như ở nước sở tại.
“Không để các nước lợi dụng chủ trương cởi mở, thông thoáng nhằm đẩy đuổi các đối tượng bị trục xuất, không xác định được quốc tịch hoặc có hoạt động chống phá trong cộng đồng người gốc Việt về Việt Nam, lợi dụng vấn đề bảo hộ công dân để tạo cớ can thiệp, gây sức ép với Việt Nam”, đại biểu nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà phát biểu. Ảnh: Phạm Đông
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Đoàn Hà Nội) nhắc đến câu nói có sức lan tỏa lớn: “Nếu có kiếp sau, tôi vẫn muốn là người Việt Nam”, cho thấy sự cao quý, đáng trân trọng của quốc tịch Việt Nam.
Chính sách nhập quốc tịch trong trường hợp đặc biệt dành cho những cá nhân có công lao hoặc lợi ích đặc biệt với Nhà nước là cần thiết và phù hợp, tuy nhiên cơ chế thực hiện còn bất cập.
Trường hợp cầu thủ Xuân Son là một ví dụ điển hình. Cầu thủ này có đóng góp quan trọng, giúp đội tuyển bóng đá giành chức vô địch Đông Nam Á, nhưng quá trình nhập quốc tịch lại vô vàn khó khăn.
Vì vậy, đại biểu cho rằng “việc có công lao đặc biệt” hay “có lợi cho Nhà nước” là những khái niệm có tính định tính cao, nếu không được cụ thể hóa, định lượng rõ ràng thì rất khó để áp dụng thống nhất và công bằng.
https://laodong.vn/thoi-su/khuyen-khich-nhap-quoc-tich-viet-nam-nhung-khong-de-loi-dung-chinh-sach-1508439.ldo
PHẠM ĐÔNG (báo lao động)
PHẠM ĐÔNG