Thời sự
Cập nhật lúc 04:52 25/05/2025 (GMT+7)
Linh hoạt dạy thêm ôn tập cho học sinh cuối cấp

Hà Tĩnh - Thông tư 29 ra đời quy định dạy thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh, ngành giáo dục Hà Tĩnh đã linh hoạt trong dạy thêm, ôn tập.

Linh hoạt dạy thêm ôn tập cho học sinh cuối cấp
Giáo viên Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh dạy thêm ôn tập cho học sinh lớp 12 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến. Ảnh: Võ Hải.

Linh hoạt tổ chức dạy thêm

Cô Nguyễn Thị Hà Phương - Hiệu trưởng Trường THCS Xuân Viên (huyện Nghi Xuân) - cho biết, nhà trường có 2 lớp 9 với 52 học sinh. Sau khi Thông tư 29 của Bộ GDĐT có hiệu lực (từ ngày 14.2) với quy định không được thu tiền dạy thêm của học sinh khi tổ chức dạy học tại trường, Ban Giám hiệu đã tổ chức rà soát lại số tiết dạy của giáo viên.

Sau đó, căn cứ vào quy định số tiết của mỗi giáo viên dạy phải 19 tiết/tuần để cân đối, bố trí giáo viên dạy thêm, ôn tập cho học sinh lớp 9 hợp lý, đủ số tiết.

“Nhờ rà soát, cân đối, bố trí giáo viên dạy hợp lý mà học sinh lớp 9 được dạy thêm, ôn tập củng cố, bổ sung kiến thức để thi tốt nghiệp, đồng thời, nhà trường cũng không vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm thu tiền của học sinh để trả công cho giáo viên”, cô Nguyễn Thị Hà Phương chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Tố Tâm - Hiệu trưởng Trường THCS Thành Mỹ (huyện Nghi Xuân) - cho hay, nhà trường có 3 lớp khối 9. Sau khi Thông tư 29 quy định về dạy thêm, học thêm có hiệu lực, khoảng từ đầu tháng 3 nhà trường mới tổ chức dạy thêm, ôn tập các môn Văn, Toán, Tiếng Anh cho học sinh lớp 9 tại trường, mỗi môn dạy 2 tiết/tuần. Theo kế hoạch, việc dạy thêm sẽ kết thúc vào ngày 30.5 để học sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp.

Cũng theo cô Tâm, các giáo viên tham gia dạy thêm, ôn tập cho học sinh lớp 9 nhà trường dự kiến được hỗ trợ tiền xăng xe với mức dự kiến khoảng 100 nghìn đồng/2 tiết. Tuy nhiên, đó mới là dự kiến chứ cũng chưa có nguồn để chi trả hỗ trợ.

Học sinh lớp 12 Trường THPT Kỳ Anh trong một tiết học thêm môn Ngữ Văn. Ảnh: Văn Vị.
Học sinh lớp 12 Trường THPT Kỳ Anh trong một tiết học thêm môn Ngữ Văn. Ảnh: Văn Vị.

Trường THPT Kỳ Anh (ở thị xã Kỳ Anh) có 15 lớp khối 12 với 653 học sinh. Trước khi Thông tư 29 có hiệu lực, nhà trường tổ chức dạy thêm có thu tiền của học sinh.

Tuy nhiên, ngay sau khi Thông tư 29 có hiệu lực, Ban giám hiệu nhà trường cho dừng dạy thêm khoảng 3 tuần, tổ chức quán triệt quy định của Thông tư về việc dạy thêm trong nhà trường không được thu tiền của học sinh.

Sau đó, 32 giáo viên của Trường đã tự nguyện dạy thêm 9 môn cho học sinh lớp 12 tại nhà trường với cam kết không thu tiền của học sinh. Mỗi môn được dạy thêm 2 tiết/tuần. Theo kế hoạch, chương trình dạy thêm kéo dài đến ngày 21.6 là kết thúc để các em học sinh lớp 12 chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

“Nhờ làm tốt công tác tư tưởng, xác định rõ đi dạy đã có lương, phải quyết tâm vì học sinh nên các giáo viên đều hiểu, tự nguyện dạy thêm đầy tâm huyết, trách nhiệm”, thầy Trần Hữu Linh - Hiệu trưởng Trường THPT Kỳ Anh - chia sẻ.

Dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến

Ngày 24.5, ông Đậu Quang Hồng - Trưởng Phòng Giáo dục phổ thông Sở GDĐT tỉnh Hà Tĩnh - cho biết, ngày 15.5, Sở GDĐT Hà Tĩnh đã có kế hoạch số 1267 về việc dạy học, ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Kế hoạch nhằm giúp học sinh lớp 12 hệ thống hóa kiến thức, nâng cao kỹ năng làm bài thi, đảm bảo chuẩn bị đầy đủ cả về mặt nội dung lẫn kỹ năng thực hành theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo đó, Sở GDĐT Hà Tĩnh tổ chức dạy ôn tập theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính ở Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh kết nối với hàng trăm điểm cầu trên toàn tỉnh.

Vừa qua, môn Vật Lý đã được tổ chức ôn tập với hơn 4.000 học sinh lớp 12 tại các điểm cầu tham gia. Môn Toán với hơn 17.000 học sinh, học viên từ 400 điểm cầu tham gia.

Một điểm cầu học thêm trực tuyến của học sinh lớp 12 ở Hà Tĩnh. Ảnh: Võ Hải.
Một điểm cầu học thêm trực tuyến của học sinh lớp 12 ở Hà Tĩnh. Ảnh: Võ Hải.

Các môn còn lại như Tiếng Anh, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Công nghệ Nông nghiệp, Hóa học sẽ tiếp tục được triển khai theo kế hoạch đã đề ra.

Điểm cầu chính tiếp tục được tổ chức tại trường THPT Chuyên Hà Tĩnh với sự tham gia của đội ngũ giáo viên cốt cán cấp tỉnh. Các buổi học được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến nhằm đảm bảo chất lượng đồng đều tại các điểm cầu trong toàn tỉnh.

“Việc tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến như ở Hà Tĩnh vừa rồi được Bộ Giáo dục đánh giá là một cách làm hay. Việc này sẽ mang lại hiệu quả vì những tiết dạy đó là của đội ngũ giáo viên cốt cán dạy”, ông Hồng chia sẻ.

https://laodong.vn/giao-duc/linh-hoat-day-them-on-tap-cho-hoc-sinh-cuoi-cap-1512307.ldo

TRẦN TUẤN (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: