Thời sự
Cập nhật lúc 05:06 14/05/2025 (GMT+7)
Lo ngại cán bộ diện tinh giản khó tái hòa nhập thị trường lao động

Một số lượng lớn công chức, cán bộ thuộc diện tinh giản, đang loay hoay tìm hướng đi mới, gặp không ít khó khăn trong việc tái hòa nhập thị trường lao động.

Cần giải quyết nhu cầu lao động tại chỗ cho công chức dôi dư

Nội dung trên được đại biểu Nguyễn Quốc Hận - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau đưa ra tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) sáng 14.5.

Ông Hận thống nhất cao với sửa đội các quy định phân cấp phân quyền, phân rõ nhiệm vụ quyền hạn giữa chính quyền địa phương cấp tỉnh với cấp xã nhằm giảm đầu mối, bỏ cấp trung gian, tinh gọn tổ chức bộ máy.

Đại biểu Nguyễn Quốc Hận lo ngại cán bộ thuộc diện tinh giản khó tái hoà nhập thị trường lao động. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Quốc Hận lo ngại cán bộ thuộc diện tinh giản khó tái hòa nhập thị trường lao động. Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng sự thay đổi này là quá lớn, ảnh hưởng sâu rộng tới tất cả các mặt đời sống xã hội, từ kinh tế xã hội cho đến tâm tư nguyện vọng của người dân.

"Dưới sự sáp nhập các đơn vị hành chính, một số lượng lớn công chức, cán bộ không chuyên trách sau nhiều năm gắn bó với bộ máy nhà nước phải nghỉ việc, đang loay hoay tìm hướng đi mới, gặp không ít khó khăn trong việc tái hòa nhập thị trường lao động, số còn lại cũng chưa biết đi đâu về đâu, nơi ăn chốn ở thế nào?

Ngoài ra, người dân lo lắng, băn khoăn vì địa bàn rộng, xa trung tâm hành chính của tỉnh, liệu có ảnh hưởng việc thực hiện quyền nghĩa vụ công dân? Cán bộ cấp xã có tăng nhưng còn ít hơn khi còn cấp huyện và với địa bàn rộng thì liệu có đủ sức sát dân, gần dân? Tương tự với lực lượng công an xã, liệu địa bàn rộng có đảm bảo quản lý tốt khi có tình huống xảy ra?" - ông Hận đặt vấn đề.

Với một vài dẫn chứng trên, đại biểu đề nghị các ngành các cấp cần sớm có câu trả lời, cần có giải pháp để đạt được mục tiêu sau khi sáp nhập: Bộ máy hoạt động thống nhất, thông suốt, hiệu lực, hiệu quả, không bị gián đoạn, không ảnh hưởng đến nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, đến hoạt động bình thường của người dân, doanh nghiệp, đảm bảo quốc phòng an ninh, an toàn xã hội trên địa bàn.

"Cần phân quyền mạnh mẽ hơn nữa và ứng dụng công nghệ thông tin cho cấp xã để giải quyết công việc tại chỗ cho người dân. Ngoài ra, tăng cường số lượng cán bộ công chức cấp xã phù hợp với nhiệm vụ quyền hạn, và theo phân loại đơn vị hành chính xã phường, tận tụy với nhân dân. Đẩy mạnh kinh tế tư nhân, quy hoạch, đầu tư mỗi tỉnh có ít nhất một khu công nghiệp tập trung để thu hút, giải quyết nhu cầu lao động tại chỗ cho công chức dôi dư sau sắp xếp tổ chức bộ máy và nhân dân ở địa phương" - đại biểu kiến nghị.

Kiến nghị tăng mức phụ cấp cho cán bộ dôi dư sau sáp nhập

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Quyên Thanh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cho rằng, trong thời gian qua, chế độ, chính sách hỗ trợ đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố dôi dư do sáp nhập là vấn đề mà nhiều người quan tâm.

Theo đại biểu, hiện nay, do phụ cấp hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố hiện nay không cao nên mức trợ cấp đối với với các đối tượng này dôi dư do sắp xếp đơn vị hành chính ở cấp xã còn thấp.

Vì vậy, để tạo điều kiện giải quyết chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, theo Kết luận 137-KL/TW năm 2025, đại biểu đề xuất Bộ Nội vụ tham mưu Chính phủ xem xét hỗ trợ người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố được hưởng chế độ bằng 2 lần mức trợ cấp theo quy định; hỗ trợ thêm chế độ cho mỗi một năm công tác bằng 3 tháng nhân với 2 lần mức trợ cấp hiện hưởng, thời gian tối đa không quá 60 tháng; bổ sung chế độ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp cho người hoạt động không chuyên trách thôi việc.

https://laodong.vn/thoi-su/lo-ngai-can-bo-dien-tinh-gian-kho-tai-hoa-nhap-thi-truong-lao-dong-1506645.ldo

Vân Trang (báo lao động)

In
Về đầu
Lượt truy cập: