Thời sự
Cập nhật lúc 07:23 10/05/2025 (GMT+7)
Nghị quyết 68 - thể hiện rõ tinh thần không hình sự hóa các quan hệ kinh tế

Nghị quyết 68-NQ/TW đánh dấu một bước tiến quan trọng trong cách tiếp cận của Đảng đối với xử lý hình sự trong lĩnh vực kinh tế. Tinh thần cốt lõi của Nghị quyết 68 thể hiện sự cân bằng giữa yêu cầu bảo vệ pháp luật và thúc đẩy môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững ở nước ta.

Nghị quyết 68 - thể hiện rõ tinh thần không hình sự hóa các quan hệ kinh tế
Nghị quyết 68 cần được nhanh chóng thể chế hóa để góp phần tháo rào cản cho kinh tế tư nhân phát triển. Ảnh: Khánh Nam

Chấm dứt các vụ việc tương tự như cà phê Xin Chào

Cách đây 10 năm, vụ việc liên quan đến quán cà phê Xin Chào tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh gây xôn xao dư luận. Vào tháng 9.2015, ông Nguyễn Văn Tấn - chủ quán cà phê Xin Chào - bị công an huyện khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội kinh doanh trái phép và ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú. Quyết định khởi tố đã được VKSND huyện Bình Chánh phê chuẩn. Tháng 4.2016, TAND huyện Bình Chánh dự kiến đưa ông Nguyễn Văn Tấn ra xét xử tội "kinh doanh trái phép". Tuy nhiên, khi báo chí vào cuộc và sự can thiệp của cơ quan chức năng, vụ việc phải đình chỉ. Nhiều cán bộ ở huyện Bình Chánh xử lý vụ này bị kỷ luật.

Nói về vụ việc này, trong hội nghị tổng kết ngành KSND TP Hồ Chí Minh năm 2017, Chánh án TAND tối cao Lê Minh Trí (khi đó là Viện trưởng VKSND) đã rất thẳng thắn: “Việc khởi tố chủ quán cà phê Xin Chào là bài học sâu sắc, kinh nghiệm xương máu; phải tôn trọng con người và tôn trọng nguyên tắc suy đoán vô tội, trọng chứng hơn trọng cung”.

Đây cũng là vụ việc được cho là điển hình của “hình sự hóa quan hệ kinh tế” để rồi ngày 16.5.2016, Chính phủ ban hành Nghị quyết 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 có đưa một dòng rất rõ ở mục nguyên tắc: “Không hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự, đồng thời xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật”.

Cho đến Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10.10.2023 của Bộ Chính trị về “xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới” vấn đề không hình sự hóa quan hệ kinh tế được nhắc đến, nhưng mới chỉ dừng lại ở mức chủ trương.

Hình sự hóa các quan hệ kinh tế là một trong những mối quan tâm hàng đầu của doanh nhân, doanh nghiệp. Bởi điều này không chỉ làm cản trở cơ hội phát triển kinh doanh mà còn có nguy cơ đẩy chủ doanh nghiệp vào vòng lao lý, dẫn đến oan sai.

Trên thực tế, các quy định của pháp luật cũng dần cụ thể hóa quan điểm không hình sự hóa các quan hệ kinh tế. Chẳng hạn, tội danh “kinh doanh trái phép” tại Điều 159 đã được bỏ ra khỏi Bộ luật Hình sự 2015. Theo đó, không xử lý hình sự đối với hành vi kinh doanh không có đăng ký kinh doanh, kinh doanh không đúng với nội dung đã đăng ký hoặc kinh doanh không có giấy phép riêng trong trường hợp pháp luật quy định phải có giấy phép.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quy định khác ràng buộc, chưa tạo ra lối mở thực sự cho doanh nghiệp, doanh nhân mạnh dạn làm ăn đúng theo tinh thần của Điều 33 tại Hiến pháp 2013: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.

Nghị quyết 68 cần được nhanh chóng thể chế hóa

Lần đầu tiên, Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết mà chi tiết hóa được rất nhiều vấn đề liên quan đến việc xây dựng một cơ chế, chính sách nhằm chống hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế; tạo điều kiện cho sự phát triển lành mạnh và bền vững của doanh nghiệp và môi trường đầu tư, đặc biệt với kinh tế tư nhân.

Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 4.5.2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đưa ra được những quy tắc mang tính đột phá. Trong đó đưa ra quan điểm: “Kịp thời xây dựng, hoàn thiện pháp luật và cơ chế, chính sách đột phá để khuyến khích kinh tế tư nhân phát triển”.

Tại Nghị quyết này, nội dung “Tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm” được cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. Đó là: “Sửa đổi các quy định về pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự để bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự.

Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo. Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp. Đối với các vụ việc thiếu chứng cứ, chứng cứ không rõ ràng phải sớm có kết luận, tránh ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, doanh nhân. Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án”.

Quan điểm “Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự” là sự kế thừa sâu sắc Thông tư 556 ban hành tháng 12.1958: “Các cơ quan Công tố, Công an, Tòa án phải chiếu theo pháp luật và làm đúng nguyên tắc: Người đáng bắt thì bắt; người bắt cũng được, không bắt cũng được thì không bắt”. Nhưng tại Nghị quyết 68, làm rõ hơn các trường hợp, khái niệm “doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại”; “Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp” và “Bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án” chính là đột phá về tư duy rất lớn.

Trao đổi với Lao Động, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết: “Không hình sự hóa quan hệ kinh tế” chính là một thông điệp rất rõ ràng của Đảng để đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân có thể vững tin vào con đường của họ đã chọn. Bởi những vụ việc oan sai, hình sự hóa quan hệ hành chính, hình sự hóa quan hệ kinh tế làm mất lòng tin của người dân và doanh nghiệp vào kỷ cương phép nước, sự công bằng của pháp luật, gây ra oan sai và những thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng. Đó chính là biện pháp hỗ trợ hiệu quả nhất đối với sự “sống còn” của doanh nghiệp, doanh nhân.

Nghị quyết 68 cần được nhanh chóng thể chế hóa và thực thi nghiêm túc, kinh tế tư nhân sẽ bứt phá, trở thành động lực quan trọng của đất nước.

Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân ngày 7.5.2025, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để người dân, doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sản xuất, kinh doanh, cần cụ thể hóa nội dung trong Nghị quyết 68 về "tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm", bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.

Theo Thủ tướng, trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự; trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo.

https://laodong.vn/thoi-su/nghi-quyet-68-the-hien-ro-tinh-than-khong-hinh-su-hoa-cac-quan-he-kinh-te-1503811.ldo

MINH BẰNG (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: