Nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh khi bỏ Thanh tra sở và huyện
Theo dự thảo Luật Thanh tra sửa đổi, Thanh tra tỉnh giúp UBND cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra và có nhiều nhiệm vụ, quyền hạn khác.
Một hội nghị công bố quyết định thanh tra trên địa bàn của Thanh tra TP Hải Phòng. Ảnh: thanhtra.haiphong.gov.vn
Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp sáng 26.4.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với nội dung chính trong dự thảo luật và đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự thảo luật để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 (khai mạc ngày 5.5).
Dự thảo luật đã đề xuất bỏ Thanh tra bộ, Thanh tra sở và Thanh tra huyện, không còn Thanh tra chuyên ngành.
Trong đó, dự thảo cũng quy định chi tiết nhiệm vụ, quyền hạn của Thanh tra tỉnh. Trong lĩnh vực thanh tra, Thanh tra tỉnh giúp UBND cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra và có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
Xây dựng dự thảo kế hoạch thanh tra, lấy ý kiến của Thanh tra Chính phủ, báo cáo Chủ tịch UBND cấp tỉnh cho ý kiến về chủ trương, ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch thanh tra.
Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của sở và cơ quan, đơn vị khác thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp xã; cơ quan, đơn vị, cá nhân thuộc sở và cơ quan, đơn vị khác thuộc UBND cấp tỉnh, UBND cấp xã;
Thanh tra việc chấp hành pháp luật trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của các sở. Thanh tra việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản của nhà nước tại doanh nghiệp do UBND các cấp đại diện chủ sở hữu;
Thanh tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật; Thanh tra vụ việc khác khi được Chủ tịch UBND cấp tỉnh giao. Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị của Thanh tra tỉnh, quyết định xử lý về thanh tra của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh.
Kiểm tra tính chính xác, hợp pháp của quyết định xử lý sau thanh tra của Giám đốc sở, Chủ tịch UBND cấp xã khi cần thiết. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho công chức Thanh tra tỉnh; tổng hợp, báo cáo kết quả công tác thanh tra.
Giúp UBND cấp tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực theo quy định của pháp luật.
Trong lĩnh vực thanh tra, Chánh Thanh tra tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
Lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của UBND cấp tỉnh; lãnh đạo Thanh tra tỉnh thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; quyết định việc thanh tra khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật;
Đề nghị Giám đốc sở, Chủ tịch UBND cấp cơ sở cử công chức có chuyên môn phù hợp tham gia Đoàn thanh tra của Thanh tra tỉnh khi cần thiết.
Đề nghị Giám đốc sở, Chủ tịch UBND cấp xã xem xét, chấn chỉnh, khắc phục sai phạm trong ngành, lĩnh vực, địa bàn thuộc phạm vi quản lý do Thanh tra tỉnh phát hiện qua thanh tra. Kiến nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh giải quyết vấn đề liên quan đến công tác thanh tra;
Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định cho phù hợp với yêu cầu quản lý; kiến nghị đình chỉ, hủy bỏ hoặc bãi bỏ quy định trái pháp luật được phát hiện qua thanh tra;
Kiến nghị Chủ tịch UBND cấp tỉnh, yêu cầu người đứng đầu cơ quan, tổ chức xem xét trách nhiệm, xử lý tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý có hành vi vi phạm pháp luật được phát hiện qua thanh tra hoặc không thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra.
https://laodong.vn/thoi-su/nhiem-vu-quyen-han-cua-thanh-tra-tinh-khi-bo-thanh-tra-so-va-huyen-1499707.ldo
PHẠM ĐÔNG (BÁO LAO ĐỘNG)