Thời sự
Cập nhật lúc 03:29 12/07/2025 (GMT+7)
Nhiều giải pháp giúp tạo động lực và không gian phát triển cho TPHCM sau sáp nhập

TPHCM - Các chuyên gia đã đóng góp nhiều ý kiến cho Sở Công Thương để tạo động lực phát triển về thương mại - dịch vụ, đóng góp cho sự phát triển thời gian tới.

Nhiều giải pháp giúp tạo động lực và không gian phát triển cho TPHCM sau sáp nhập
Quang cảnh tọa đàm về tạo động lực và không gian phát triển cho TPHCM qua xây dựng chuỗi cung ứng và bán lẻ. Ảnh: Thành An

Nhiều điểm nghẽn trong thương mại - dịch vụ

Ngày 11.7, Sở Công Thương TPHCM tổ chức tọa đàm chủ đề "Không gian phát triển của TPHCM - Động lực từ xây dựng chuỗi cung ứng và bán lẻ", với sự tham gia của lãnh đạo UBND TPHCM cùng nhiều chuyên gia.

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM - nhận định, TPHCM đã và đang giữ vai trò đầu tàu, chiếm hơn 20% tổng mức bán lẻ cả nước, đóng góp lớn cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Tuy nhiên, ngành thương mại - dịch vụ vẫn tồn tại nhiều điểm nghẽn như: Hạ tầng thương mại thiếu đồng bộ; chuỗi cung ứng và hệ thống phân phối thiếu liên kết; thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng thiếu gắn kết với chuỗi logistics, sản xuất và cung ứng... Hiện Sở Công Thương xác định một số nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển thương mại dịch vụ trong thời gian tới.

"Một câu hỏi đặt ra là động lực nào để ngành công thương tăng trưởng? Thông qua tọa đàm, chúng tôi mong muốn nghe các ý kiến, phân tích thực tiễn cùng những kiến nghị, giải pháp xây dựng, để trên cơ sở đó tổng hợp, tham mưu, đề xuất cho lãnh đạo TPHCM có những chính sách phát triển phù hợp, hiệu quả", ông Vũ nhấn mạnh.

Cái Mép - Thị Vải sẽ là cửa ngõ vươn ra biển, tham gia cạnh tranh toàn cầu

Tiến sĩ Đỗ Thiên Anh Tuấn - Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright - cho biết, mật độ kinh tế của TPHCM rất cao lên đến hơn 400 tỉ đồng/km2, tiềm năng phát triển về thương mại, dịch vụ và bán lẻ là vô cùng lớn. Trong thời gian tới, cần định hướng phát triển thương mại của TPHCM về tầm nhìn và chiến lược.

"Dựa trên thực tiễn đã và đang hình thành, TPHCM có đầy đủ tiềm năng trở thành trung tâm tiêu dùng và mua sắm của Đông Á. TPHCM sau khi sáp nhập có đầy đủ điều kiện trở thành siêu đô thị đa cực quy mô hàng đầu Đông Á", ông Tuấn nói.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nêu ý kiến tham luận trong buổi tọa đàm. Ảnh: Thành An
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nêu ý kiến tham luận trong buổi tọa đàm. Ảnh: Thành An

Còn ông Phan Huy Chí - đại diện Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam - nêu băn khoăn còn có nhiều vướng mắc, khi thương mại điện tử phát triển nhanh nhưng còn thiếu các công cụ phòng ngừa rủi ro, giá cả; hoặc công tác kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng hàng hóa còn nhiều bất cập...

Ông Cao Hồng Phong - Chủ tịch Hiệp hội Logistics và Cảng biển Bà Rịa - Vũng Tàu - cho rằng, cần phải xác định không gian TPHCM với 2 nhóm logistics xuất nhập khẩu và nội địa. Trong đó, xuất nhập khẩu nên tập trung tại khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu. Còn Logistics nội địa nên tập trung tại Bình Dương và TPHCM cũ. "Như vậy sẽ phát huy các điểm mạnh của các khu vực, và Cái Mép - Thị Vải sẽ là cửa ngõ vươn ra biển để tham gia cạnh tranh toàn cầu", ông Phong nhấn mạnh.

Nhiều nội dung khác cũng được nêu trong tham luận, hoặc các ý kiến thảo luận như: quy hoạch TPHCM; phát triển ngành bán lẻ; kết nối với logistics, cảng biển; phát huy lợi thế khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu cũ, Bình Dương cũ sau khi sáp nhập...

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - cho biết: "Một trong các nhiệm vụ đang được TPHCM triển khai là hợp nhất các quy hoạch ở 3 tỉnh trước đây thành một, điều này sẽ giải quyết tầm nhìn, các hạn chế về giao thông kết nối, tạo đà phát triển, kết nối logistics, chuỗi cung ứng và sản xuất.... để phát triển mạnh thương mại dịch vụ".

https://laodong.vn/kinh-doanh/nhieu-giai-phap-giup-tao-dong-luc-va-khong-gian-phat-trien-cho-tphcm-sau-sap-nhap-1538494.ldo

THÀNH AN (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: