Thời sự
Cập nhật lúc 06:06 07/07/2025 (GMT+7)
Phường Gia Định, từ chung cư, hẻm nhỏ đến di sản văn hóa

TPHCM - Phường Gia Định là một trong số ít những địa phương ở TPHCM vẫn còn giữ nguyên được nét xưa cũ của một vùng đất ngày trước.

Phường Gia Định được hình thành trên cơ sở sắp xếp toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của Phường 1, Phường 2, Phường 7 và Phường 17 (quận Bình Thạnh cũ).

Nơi giao thoa giữa hiện đại với chiều sâu ký ức đô thị

Trước năm 1976, Gia Định là một tỉnh riêng biệt, sau thời điểm sáp nhập vào TPHCM, tên gọi “Gia Định” dần vắng bóng trong các đơn vị hành chính chính thức, nhưng vẫn được gìn giữ trong ký ức và đời sống văn hóa của nhiều thế hệ người dân.

s Ảnh: Ngọc Ánh
Đảng ủy phường Gia Định. Ảnh: Ngọc Ánh

Việc khôi phục lại tên gọi "Gia Định" cho một đơn vị hành chính mới như một sự kết nối giữa hiện tại và quá khứ, gợi nhớ một không gian đã từng là trái tim của vùng đất Nam Bộ trong quá trình khai phá, phát triển.

Phường Gia Định hiện "sở hữu" nhiều di tích, công trình mang đậm giá trị lịch sử. Đặc sắc nhất phải kể đến chiếc cổng gạch mang dòng chữ "Gia Định", nằm nép mình nơi góc giao lộ Phan Đăng Lưu - Lê Văn Duyệt.

Cổng gạch có dòng chữ “Gia Định” đã quen thuộc với nhiều thế hệ người dân nơi đây. Ảnh: Ngọc Ánh
Cổng gạch có dòng chữ “Gia Định” đã quen thuộc với nhiều thế hệ người dân nơi đây. Ảnh: Ngọc Ánh
Ảnh: Ngọc Ánh
Dòng chữ "Gia Định" đã nhuốm màu thời gian. Ảnh: Ngọc Ánh

Cổng nằm sát tường Trường THCS Trương Công Định, được xây bằng gạch nung, lợp mái ngói, phía trên vòm cong vẫn còn khắc nổi tên “Gia Định” - biểu tượng hiếm hoi còn sót lại từ trước năm 1975.

Nằm ngay đối diện chiếc cổng khắc chữ “Gia Định” là Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt - quần thể kiến trúc và di tích lịch sử đặc biệt của TPHCM, được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.

Không chỉ mang giá trị kiến trúc, khu lăng còn là nơi người dân đến dâng hương, tưởng niệm, thể hiện lòng kính trọng đối với vị danh thần đã có công bảo vệ và phát triển vùng đất phía Nam.

Trên hình là Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt. Ảnh: Ngọc Ánh
Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt. Ảnh: Ngọc Ánh
Nơi đây được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ảnh: Ngọc Ánh
Nơi đây được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. Ảnh: Ngọc Ánh

Qua bao biến thiên lịch sử, lăng vẫn được bảo tồn gần như nguyên vẹn, trở thành điểm tựa tinh thần, đồng thời là minh chứng sống động cho chiều sâu lịch sử - văn hóa của vùng đất Gia Định xưa.

Chợ Bà Chiểu toạ lạc trên đường Phan Đăng Lưu (phường Gia Định, TPHCM). Ảnh: Ngọc Ánh
Chợ Bà Chiểu tọa lạc trên đường Phan Đăng Lưu (phường Gia Định, TPHCM). Ảnh: Ngọc Ánh

Gần đó, khu chợ Bà Chiểu - được xây dựng từ năm 1942 và là một trong những khu chợ lâu đời nhất TPHCM, từng là trung tâm giao thương của vùng Gia Định cũ. Ngày nay, hoạt động mua bán ở chợ vẫn diễn ra nhộn nhịp, là điểm ghé chân của nhiều du khách trong và ngoài nước khi muốn khám phá ẩm thực của vùng đất sôi động bậc nhất cả nước - thành phố mang tên Bác.

Tên gọi cũ, tầm vóc mới

Sau khi sáp nhập, phường Gia Định mới có diện tích khoảng 2,76 km2, với quy mô dân số gần 126.000 người.

Phường Gia Định sở hữu vị trí địa lý thuận lợi khi nằm giữa vùng giáp ranh các phường trung tâm của TPHCM, đóng vai trò như một điểm kết nối chiến lược giữa khu vực nội đô và các trục phát triển đô thị liền kề.

Phía Bắc phường tiếp giáp rạch Nhiêu Lộc - Thị Nghè, nối liền với quận Bình Thạnh (cũ) và Phú Nhuận (cũ), phía Nam giáp Quận 1 (cũ) - trung tâm hành chính, kinh tế của thành phố.

Đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đi qua khu vực phường Gia Định. Ảnh: Anh Tú
Đoạn kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đi qua khu vực phường Gia Định. Ảnh: Anh Tú

Phường Gia Định được đánh giá là khu vực có khả năng phát triển mạnh về thương mại, dịch vụ và đô thị nén, đồng thời là không gian chuyển tiếp quan trọng giữa đô thị cũ và vùng lõi mở rộng của TPHCM.

Ông Trần Huy Lượng (ngụ khu phố 56) không giấu được niềm phấn khởi khi chứng kiến thời khắc TPHCM đánh dấu bước chuyển mình quan trọng về tổ chức hành chính. Niềm vui càng nhân lên khi khu vực mình đang sinh sống chính thức mang tên Gia Định.

“Nói đến Gia Định, người dân cả nước đều biết. Tôi rất tự hào khi nơi mình gắn bó lại mang tên này. Mong rằng chính quyền địa phương sẽ tiếp tục gìn giữ và làm rạng danh tên gọi Gia Định”, ông Lượng chia sẻ.

Trong niềm vui chung của người dân, chính quyền địa phương cũng nhanh chóng ổn định tổ chức, sớm đưa bộ máy vào hoạt động để phục vụ người dân hiệu quả.

Bà Triệu Lệ Khánh, Bí thư Đảng ủy phường Gia Định, TPHCM cho biết, phường Gia Định đã bố trí, sắp xếp cán bộ chủ chốt của HĐND, UBND, đồng thời điều hành cán bộ, công chức bắt tay ngay vào làm việc từ những ngày đầu vận hành bộ máy mới, không để gián đoạn giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp.

https://laodong.vn/xa-hoi/phuong-gia-dinh-tu-chung-cu-hem-nho-den-di-san-van-hoa-1535376.ldo

NGỌC ÁNH (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: