Quốc hội xem xét cơ chế gỡ khó cho 11 dự án BOT giao thông
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư - Luật PPP (sửa đổi) quy định cơ chế xử lý vướng mắc giảm doanh thu đối với các dự án BOT giao thông.
Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, ngày 17.5, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP); Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Luật sửa đổi, bổ sung 7 Luật).
Trong đó, Luật PPP (sửa đổi) đã bổ sung nội dung quy định cơ chế xử lý vướng mắc giảm doanh thu đối với dự án BOT được thực hiện trước khi Luật PPP có hiệu lực thi hành, nhằm tháo gỡ vướng mắc đã kéo dài nhiều năm nay của nhóm dự án này.
Theo cơ quan soạn thảo, quy định về các cơ chế áp dụng loại hợp đồng, chính sách ưu đãi, bảo đảm đầu tư, chia sẻ rủi ro tại Luật PPP hiện hành chưa phù hợp để khuyến khích các doanh nghiệp khoa học, công nghệ tham gia đầu tư.
Việc hạn chế áp dụng loại hợp đồng thu phí trực tiếp từ người sử dụng đối với công trình cải tạo, nâng cấp, mở rộng cũng dẫn đến khó khăn để huy động nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư vào các công trình, hạ tầng phục vụ nghiên cứu khoa học, công nghệ mà Nhà nước đã đầu tư.
Đối với dự án PPP ở các lĩnh vực khác đã được triển khai nhiều năm trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực thi hành, đến nay phát sinh nhiều vướng mắc.
Như dự án BOT giao thông, theo cơ quan soạn thảo, báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, Bộ này đã phối hợp với Ngân hàng nhà nước Việt Nam và các địa phương rà soát tổng thể vướng mắc dự án BOT giao thông trong cả nước, xây dựng danh mục gồm 11 dự án đã định lượng vướng mắc (Bộ Xây dựng 8 dự án, địa phương 3 dự án).
Đồng thời, Bộ Xây dựng đã tổ chức đàm phán với nhà đầu tư, ngân hàng tín dụng để thống nhất về giải pháp tháo gỡ (dự kiến bố trí vốn nhà nước thanh toán để chấm dứt hợp đồng 6 dự án, bổ sung vốn nhà nước hỗ trợ để tiếp tục thực hiện hợp đồng 5 dự án).
Trình Quốc hội cơ chế hỗ trợ 11 dự án BOT giao thông giảm doanh thu. Ảnh: Quochoi
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính đã trao đổi, thống nhất với Bộ Xây dựng bổ sung vào dự án Luật PPP quy định cơ chế xử lý vướng mắc giảm doanh thu đối với các dự án BOT có hợp đồng được ký kết trước thời điểm ngày 1.1.2021 (ngày Luật PPP có hiệu lực - PV) mà hợp đồng chưa quy định việc áp dụng cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu và thực tế hợp đồng đã xảy ra việc giảm doanh thu do lỗi của phía Nhà nước.
Để áp dụng cơ chế này, các dự án phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ, bảo đảm công bằng, minh bạch, đúng đối tượng, đúng dự án, hài hòa lợi ích người dân, doanh nghiệp và nhà nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi. Ảnh: Quochoi
Liên quan đến nội dung trên, Ủy ban Kinh tế và Tài chính (KTTC) của Quốc hội (cơ quan thẩm tra dự án Luật) đề nghị Chính phủ rà soát, bảo đảm cơ sở chính trị và quy định chặt chẽ trong dự thảo luật.
Ủy ban KTTC đề nghị chỉ áp dụng đối với các dự án mà nguyên nhân dẫn đến khó khăn, vướng mắc có trách nhiệm của Nhà nước, đáp ứng các điều kiện chặt chẽ, cụ thể, nhằm bảo đảm tính rõ ràng, nhất quán, minh bạch và tránh những kẽ hở về chính sách.
Luật PPP (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thảo luận tại tổ vào chiều nay (17.5).
https://laodong.vn/thoi-su/quoc-hoi-xem-xet-co-che-go-kho-cho-11-du-an-bot-giao-thong-1508284.ldo
Tô Thế (báo lao động)
Tô Thế