Quy định các tỉnh có số lượng phó chủ tịch HĐND giống nhau là chưa phù hợp
Theo đại biểu, việc quy định số lượng phó chủ tịch Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp tỉnh giống nhau trên cả nước là chưa phù hợp với thực tế khi sáp nhập tỉnh.
Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh góp ý về quy định số lượng phó chủ tịch Hội đồng nhân dân khi sáp nhập tỉnh, bỏ cấp huyện. Ảnh: Phạm Đông
Sáng 14.5, góp ý tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn TPHCM) quan tâm đến quy định về phân cấp, ủy quyền.
Đại biểu cho rằng dự thảo đã tiếp thu và bổ sung nhiều điểm tích cực, trong đó có quy định HĐND cấp tỉnh là chủ thể được phân cấp, ủy quyền; Chủ tịch UBND cấp xã có thể ủy quyền cho công chức thuộc UBND, nhất là công chức tư pháp trong lĩnh vực chứng thực.
Tuy nhiên, so với quy định hiện hành vẫn còn thiếu trường hợp Chủ tịch UBND ủy quyền cho phó chủ tịch UBND. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung rõ nội dung Chủ tịch UBND có thể ủy quyền cho phó chủ tịch UBND.
Liên quan đến quy định trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách thì HĐND cấp tỉnh có 1 phó chủ tịch HĐND; trường hợp Chủ tịch HĐND cấp tỉnh là đại biểu HĐND hoạt động không chuyên trách thì HĐND cấp tỉnh có 2 phó chủ tịch.
Đại biểu Đoàn TPHCM nêu rõ, quy định này được xây dựng trong bối cảnh mô hình chính quyền 3 cấp và chưa thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh.
Tuy nhiên, từ ngày 1.7 tới, khi việc sáp nhập được triển khai, nhiều địa phương, nhất là thành phố trực thuộc Trung ương, các siêu đô thị, sẽ có quy mô dân số và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội rất lớn.
Do đó, việc quy định số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh giống nhau trên cả nước từ 1-2 người là chưa phù hợp với thực tế mới. Đồng thời, nội dung này cũng chưa thống nhất với các quy định về số lượng phó chủ tịch UBND là giao cho Chính phủ quy định khung số lượng phó chủ tịch UBND cấp tỉnh, đảm bảo phù hợp với quy mô và đặc điểm của từng đơn vị hành chính.
Đại biểu Trịnh Xuân An phát biểu. Ảnh: Phạm Đông
Cùng góp ý về dự án luật này, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) đề xuất tiếp tục rà soát, chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND để làm rõ nét hơn chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, bảo đảm phân định một cách hợp lý nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp tỉnh, xã.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị phải làm rõ thêm cơ chế kiểm soát và trách nhiệm giải trình của UBND.
Đặc biệt, cần tăng cường số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, hoạt động giám sát của HĐND cấp địa phương.
Đại biểu nêu rõ, hiện nay, khối lượng nhiệm vụ của UBND rất lớn. Nếu không tăng cường cơ chế giám sát của HĐND, nhất là tăng cường số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ rất khó phát huy được quyền, nghĩa vụ của cơ quan dân cử.
Để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân thì UBND cấp tỉnh trực tiếp làm nhiệm vụ của cấp dưới.
Theo đại biểu, cần làm rõ trong trường hợp cần thiết là những trường hợp nhằm phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quyền lợi của người dân. Những trường hợp cần thiết này cũng cần có giới hạn khi nào hết chuyện "cầm tay chỉ việc.
"Tôi nghĩ chỉ thực hiện trong giai đoạn đầu. Còn sau bộ máy nhuần nhuyễn rồi cần được giới hạn", đại biểu Trịnh Xuân An thông tin.
https://laodong.vn/thoi-su/quy-dinh-cac-tinh-co-so-luong-pho-chu-tich-hdnd-giong-nhau-la-chua-phu-hop-1506587.ldo
PHẠM ĐÔNG (báo lao động)