Thời sự
Cập nhật lúc 09:48 21/05/2025 (GMT+7)
Rau củ, hàng ăn ở Hà Nội đồng loạt tăng theo giá điện

Hà Nội - Nhiều quán bún phở, hàng rau củ ở một số chợ dân sinh tăng giá sau khi giá bán lẻ điện bình quân tăng hơn 100 đồng/kWh.

Từ ngày 10.5, giá bán lẻ điện bình quân chính thức tăng từ 2.103,11 đồng lên 2.204,07 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT), tương đương tăng 4,8%. Mức tăng này tương tự hồi tháng 10.2024.

Tại Hà Nội, một số quán ăn đã điều chỉnh giá bán. Một số quán bún, phở tăng thêm 5.000 đồng mỗi bát.

Một quán bún tại Linh Đàm (quận Hoàng Mai) vừa thông báo điều chỉnh tăng giá sau thời gian dài giữ nguyên mức cũ.

Theo anh Lê Huy - chủ quán, do giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, đặc biệt là thịt, rau xanh, gas và gia vị, việc tăng giá bán là điều bắt buộc để đảm bảo chất lượng món ăn và duy trì hoạt động.

Quán buộc phải tăng thêm 5.000 đồng mỗi suất. Từ mức phổ biến 30.000 đồng trước đây, hầu hết món trong thực đơn đã được điều chỉnh lên 35.000-40.000 đồng/suất.

Anh Huy chia sẻ: “Giá nguyên liệu đầu vào bắt đầu tăng nhẹ cách đây khoảng 10 ngày, khi giá bán lẻ bình quân chính thức tăng 100,96 đồng một kWh. Giá 30.000 đồng/suất hiện không còn phù hợp. Chúng tôi buộc phải điều chỉnh giá lên để duy trì hoạt động, dù biết sẽ ảnh hưởng đến lượng khách”.

Chủ quán bún cho biết, với 2 cửa hàng đang hoạt động, chi phí cho tiền điện trung bình 10 triệu đồng/tháng. Giá điện tăng 4,8% cứ tính đơn thuần là tiền điện lại phải chi thêm tối thiểu 500.000 đồng/tháng.

“Kinh doanh hàng ăn, dù khách có đến ít hơn thì quán vẫn phải bật điều hoà thường xuyên. Tôi cũng muốn tiết kiệm tiền điện nhưng không biết tiết kiệm bằng cách nào” - anh Huy nói.

a
Một quán phở tăng giá. Ảnh: Anh Duy

Cách đó không xa, một quán phở khác cũng treo biển thông báo tăng giá. Theo chủ quán này, trước đây có nhiều loại phở chỉ 35.000 đồng/bát, nhưng nay thấp nhất là 40.000 đồng.

Bên cạnh giá điện, nguyên liệu tăng, chi phí mặt bằng cũng là gánh nặng lớn đối với nhiều chủ quán ăn, đặc biệt là ở khu vực trung tâm thành phố. Điều này khiến nhiều quán ăn nhỏ lẻ phải tính đến phương án tăng giá bán hoặc cắt giảm quy mô.

Chủ quán ăn tiết lộ, quán đang phải thuê mặt bằng lên tới 30 triệu đồng/tháng. Chủ nhà liên tục đòi tăng, giá năm sau cao hơn năm trước.

“Khu vực Linh Đàm đông dân, ai cũng tưởng việc buôn bán thuận lợi nên chủ nhà thường xuyên đòi tăng giá thuê. Thực tế thì các quán ăn đang chật vật để tồn tại. Chúng tôi phải xoay sở đủ kiểu để không tăng giá bán mà vẫn phải đảm bảo chất lượng. Doanh thu có xu hướng giảm do lượng khách thắt chặt chi tiêu” - chủ quán phở cho hay.

Một số loại rau củ ở chợ Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) có dấu hiệu tăng nhẹ sau khi.
Một số loại rau củ ở chợ Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) có dấu hiệu tăng nhẹ sau khi giá bán lẻ điện bình quân chính thức tăng từ ngày 10.5. Ảnh: Sóng Hữu

Trong khi đó, cập nhật diễn biến giá cả tại một số chợ ở Hà Nội cho thấy, giá rau xanh, thực phẩm có dấu hiệu tăng nhẹ. Chẳng hạn, cải thảo 18.000 đồng/kg, cà chua 18.000 đồng/kg, bắp cải 15.000 đồng/kg, rau muống 10.000 đồng/mớ, thịt ba chỉ, sườn giá 150.000 - 160.000 đồng/kg,...

Chị Lê Thị Hoa (sinh sống tại quận Cầu Giấy) cho biết, chỉ có người đi chợ mới thấy rõ giá cả âm thầm tăng sau mỗi kỳ giá điện tăng.

"Tháng 11 năm ngoái, sau khi ngành điện thông báo tăng 4,8% giá điện, chỉ sau 1 tuần đi chợ, nhiều loại mặt hàng tăng cao. Tháng 5 năm nay, tiền điện tiếp tục tăng, hàng hóa cũng tăng theo giá điện" - chị Hoa nói.

Còn bà Hà, một tiểu thương ở chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy) cho hay: "Giá điện tăng thì hàng hoá không giảm được, từ trước đến nay vẫn vậy".

Khảo sát của Lao Động cho thấy, đa số người tiêu dùng đều lo lắng hàng hóa "tát giá" theo điện.

Đáng lưu ý là từ ngày 10.5, giá bán lẻ điện bình quân đã tăng 4,8%, lên mức mới là hơn 2.200 đồng/kWh. Đây là nhiên liệu đầu vào cho sản xuất càng khiến nhiều người lo ngại giá cả hàng hoá tiếp tục bị đẩy lên cao trong trong thời gian tới.

https://laodong.vn/kinh-doanh/rau-cu-hang-an-o-ha-noi-dong-loat-tang-theo-gia-dien-1509988.ldo

SÓNG HỮU (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: