Tăng trưởng kinh tế bền vững, không đánh đổi lạm phát
Theo chuyên gia, một trong những thách thức không nhỏ trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên là kiểm soát lạm phát.
Trong bối cảnh đất nước nỗ lực với mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao thì kiểm soát lạm phát là một thách thức lớn cần phải được ưu tiên. Ảnh: Tuyết Lan
Kiểm soát lạm phát để tăng trưởng bền vững
Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trở và vượt mốc hai con số từ 10% trở lên trong giai đoạn 2026 - 2030. Bên cạnh những thuận lợi và động lực cũng có rất nhiều thách thức cần vượt qua.
Trao đổi với Lao Động, TS. Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Việt Nam đánh giá - hiện nay lạm phát vẫn đang trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, với mục tiêu tăng trưởng cao như năm nay áp lực lạm phát là rất lớn, cao hơn nhiều so với những năm trước.
"Cần phải có các giải pháp đồng bộ như huy động vốn từ các kênh cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp… để giảm bớt áp lực đối với hệ thống ngân hàng. Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, mềm dẻo, theo dõi sát sao diễn biến thị trường, cung tiền và chỉ số giá tiêu dùng.
Đặc biệt không đẩy mạnh tăng tín dụng quá lớn, mà cần đảm bảo nguồn lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Đồng thời cần đẩy mạnh sản xuất trong nước, kiểm soát giá cả và sản xuất hàng hóa, và cải thiện môi trường đầu tư" - TS. Lê Duy Bình khuyến nghị.
Giải pháp để kiểm soát lạm phát tốt trong 6 tháng cuối năm
Thông tin với Lao Động, bà Nguyễn Thị Hương - Cục trưởng Cục Thống Kê (Bộ Tài chính) cho rằng - để kiểm soát lạm phát năm 2025 đạt được mục tiêu đề ra, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương cần theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới. Kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam để có các biện pháp ứng phó phù hợp nhằm đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá trong nước.
Đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Nhất là các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột căng thẳng địa chính trị.
"Các Bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thịt lợn, xăng dầu, gas...) để có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào dịp Lễ nhằm hạn chế tăng giá. Cần có các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.
Điều hành linh hoạt đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Đồng thời góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và đời sống người dân" - bà Hương nhấn mạnh.
Theo số liệu của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), bình quân sáu tháng đầu năm 2025, lạm phát cơ bản tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 3,27% của CPI bình quân chung, nguyên nhân chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, giá dịch vụ y tế.
https://laodong.vn/thi-truong/tang-truong-kinh-te-ben-vung-khong-danh-doi-lam-phat-1538173.ldo
Tuyết Lan (BÁO LAO ĐỘNG)