Thời sự
Cập nhật lúc 03:38 25/05/2025 (GMT+7)
Thị trường 100 triệu dân trở thành mỏ vàng cho doanh nghiệp khai phá

TPHCM - Trong bối cảnh xuất khẩu còn nhiều rào cản, thị trường nội địa với hơn 100 triệu dân đang trở thành “vùng đất vàng” để doanh nghiệp phát triển.

Chuyển đổi số, sản phẩm xanh - hướng đi cho doanh nghiệp hiện đại

Tại TPHCM, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới, đầu tư vào chuyển đổi số, phát triển sản phẩm thân thiện môi trường. Tuy nhiên, để bứt phá mạnh mẽ hơn, doanh nghiệp vẫn cần thêm động lực từ chính sách.

Theo ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, hành vi tiêu dùng nội địa đang có những thay đổi rõ nét. Người dân hiện chi tiêu có chọn lọc hơn do ảnh hưởng từ khó khăn kinh tế, nhưng đồng thời, sẵn sàng chi nhiều hơn cho những sản phẩm xanh, sạch, tốt cho sức khỏe.

Đây là một tín hiệu tích cực, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp đổi mới dòng sản phẩm, định vị thương hiệu theo hướng phát triển bền vững. Tuy nhiên, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) đang được nhắc đến liên tục như xu hướng tất yếu, nhưng thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp nội địa vẫn đang loay hoay.

Cùng quan điểm, ông Trần Văn Chín - Chủ tịch Sàn giao dịch thương mại điện tử B2B AROBID, cho rằng chuyển đổi số là đòn bẩy quan trọng giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường, tối ưu chi phí và gia tăng hiệu quả kinh doanh. Với mô hình triển lãm số trên nền tảng thương mại điện tử B2B mà AROBID triển khai, các doanh nghiệp có thể trưng bày sản phẩm, tương tác và ký kết hợp đồng trực tiếp trên nền tảng số, thay vì phải tổ chức hội chợ, hội thảo truyền thống.

“Khi cộng đồng doanh nghiệp tham gia trên sàn B2B, không chỉ dễ dàng tiếp cận thị trường nội địa, mà còn có thể vươn ra xuất khẩu một cách chủ động, chuyên nghiệp hơn. Đây là công cụ rất hiệu quả để phát huy nội lực” - ông Chín chia sẻ.

TPHCM kích cầu thị trường nội địa. Ảnh: Hạ Mây
Doanh nghiệp TPHCM kích cầu thị trường nội địa. Ảnh: Hạ Mây

Tăng năng lực nội sinh, liên kết vùng

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công Thương TPHCM nhận định, cần thúc đẩy khai thác lợi thế của thị trường trong nước, 100 triệu dân với sức mua ngày càng tăng là thị trường lớn. Trong vài năm qua, nhiều doanh nghiệp của thành phố đã chủ động đổi mới, cung ứng sản phẩm chất lượng, chiếm tỉ trọng ngày càng lớn trong thị trường nội địa. Điều này cho thấy việc khai thác thị trường trong nước đang đi đúng hướng và có chiến lược rõ ràng.

“Chúng ta cần tiếp tục nâng cao năng lực nội sinh trong bối cảnh đang có những điều kiện thuận lợi từ các chính sách, đặc biệt là bộ tứ nghị quyết tạo nền tảng cho kinh tế tư nhân, doanh nghiệp và đổi mới công nghệ” - ông Vũ nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Vũ cũng đề cao vai trò của liên kết vùng, từ vùng nguyên liệu đến thị trường tiêu thụ. Ông cho biết, sắp tới đây, khi TPHCM được sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu thì không gian phát triển cho doanh nghiệp sẽ được mở rộng cả về sản xuất, logistics và thương mại. Điều này có ý nghĩa chiến lược, giúp các doanh nghiệp không chỉ đứng vững ở thị trường nội địa mà còn dễ dàng bước ra thị trường quốc tế.

Từ góc nhìn nghiên cứu, ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM - cho biết, doanh nghiệp cần được hỗ trợ tín dụng ưu đãi, kích cầu tiêu dùng nội địa, hoàn thuế, nâng cấp hạ tầng giao thông, và đặc biệt là cắt giảm thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động định vị lại thị trường, phân loại xuất khẩu vào các khu vực như thị trường bảo hộ cao (Mỹ, EU), thị trường tiềm năng (Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi) hay thị trường ngách - nơi có dung lượng nhỏ nhưng giá trị gia tăng cao.

https://laodong.vn/kinh-doanh/thi-truong-100-trieu-dan-tro-thanh-mo-vang-cho-doanh-nghiep-khai-pha-1512410.ldo

HẠ MÂY (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: