Thời sự
Cập nhật lúc 12:37 19/05/2025 (GMT+7)
Thông tin trụ sở 3 phường mới ở quận Ba Đình sau sắp xếp

Hà Nội - Trong số 3 phường mới thành lập ở quận Ba Đình sau sắp xếp, có 1 phường được sử dụng trụ sở UBND quận hiện nay.

Thông tin trụ sở 3 phường mới ở quận Ba Đình sau sắp xếp
Dự kiến sử dụng trụ sở Đảng ủy - UBND Quận Ba Đình hiện nay làm trụ sở của Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phường Ngọc Hà mới. Ảnh: UBND Quận Ba Đình

Phường Ba Đình được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Quán Thánh, Trúc Bạch (thuộc quận Ba Đình); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Điện Biên, Ngọc Hà (thuộc quận Ba Đình); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Đội Cấn, Kim Mã (thuộc quận Ba Đình); Đồng Xuân, Cửa Đông, Cửa Nam (thuộc quận Hoàn Kiếm); một phần diện tích tự nhiên (vườn hoa) của phường Thụy Khuê (thuộc quận Tây Hồ).

Dự kiến sử dụng trụ sở Đảng ủy - UBND phường Điện Biên hiện nay làm trụ sở của Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phường Ba Đình mới. Sử dụng trụ sở Đảng ủy - UBND phường Quán Thánh hiện nay làm trụ sở của HĐND – UBND phường Ba Đình mới.

Lý do lấy tên phường mới là Ba Đình: Phường Ba Đình có quảng trường Ba Đình, gắn liền với thành quả của Cách mạng Tháng Tám, khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được thành lập. Bên cạnh đó, việc lấy tên là Ba Đình đảm bảo được chức năng của địa phương, là trung tâm chính trị hành chính quốc gia của cả nước, đây là địa danh dễ nhận diện khi xác định vị trí.

Phường Ngọc Hà được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của phường: Vĩnh Phúc, Liễu Giai (thuộc quận Ba Đình); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Ngọc Hà, Đội Cấn, Kim Mã, Cống Vị (thuộc quận Ba Đình); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Ngọc Khánh (thuộc quận Ba Đình); một phần diện tích đất giao thông phường Nghĩa Đô (thuộc quận Cầu Giấy).

Dự kiến sử dụng trụ sở Đảng ủy - UBND Quận Ba Đình hiện nay làm trụ sở của Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội phường Ngọc Hà mới.

Lý do lấy tên phường mới là Ngọc Hà: Ngọc Hà là tên gọi một tuyến phố cũng là một phường thuộc quận Ba Đình, đây nguyên là đất trại Ngọc Hà, tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận cũ; là địa danh của một làng trong số thập tam trại - mười ba làng bao quanh hồ Tây, chuyên sản xuất những nhu yếu phẩm cung cấp cho kinh thành Thăng Long trước kia.

Theo đó, việc lấy tên phường Ngọc Hà vừa bảo đảm tên gọi của đơn vị hành chính có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa; vừa bảo đảm phù hợp với nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã, phường mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ.

Đồng thời, tên gọi Ngọc Hà dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học.

Phường Giảng Võ được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của phường Giảng Võ (thuộc quận Ba Đình); phần lớn diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Ngọc Khánh, Thành Công (thuộc quận Ba Đình); một phần diện tích tự nhiên và dân số của các phường: Cống Vị, Kim Mã (thuộc quận Ba Đình); Cát Linh, Láng Hạ (thuộc quận Đống Đa).

Dự kiến sử dụng trụ sở Đảng ủy - UBND phường Thành Công hiện nay làm trụ sở của Đảng ủy phường Giảng Võ. Sử dụng trụ sở Đảng ủy - UBND phường Ngọc Khánh hiện nay làm trụ sở của HĐND - UBND phường Giảng Võ.

Lý do lấy tên phường mới là Giảng Võ: Giảng Võ là tên gọi một tuyến phố cũng là một phường thuộc quận Ba Đình hiện nay; ở khu vực này có một ngôi điện mang tên Giảng Võ được xây dựng năm 1010 - là nơi vua Lý Thái Tổ và các quan võ đến họp bàn việc nước. Địa danh Giảng Võ bắt nguồn từ tên các điện và trường luyện tập võ nghệ để bảo vệ Tổ quốc của ông cha ta ở các triều đại cũ.

Theo đó, việc lựa chọn tên Giảng Võ vừa bảo đảm tên gọi của đơn vị hành chính có giá trị lịch sử, truyền thống, văn hóa; vừa bảo đảm phù hợp với nguyên tắc ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho xã, phường mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ.

Đồng thời, tên Giảng Võ giúp dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học.

https://laodong.vn/xa-hoi/thong-tin-tru-so-3-phuong-moi-o-quan-ba-dinh-sau-sap-xep-1508798.ldo

KHÁNH AN (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: