Thông tư hướng dẫn thực hiện tiền lương có hiệu lực từ ngày 15.6
Bộ Nội vụ đã có hướng dẫn mới về việc thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước áp dụng từ ngày 15.6.
Việc xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương được thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 44/2025. Ảnh: VGP/Diệu Anh
Theo đó, Thông tư 003/2025 vừa ban hành của Bộ Nội vụ đã hướng dẫn thực hiện quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại Điều 1 Nghị định 44/2025 của Chính phủ quy định quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng trong doanh nghiệp nhà nước.
Áp dụng đối với các đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định 44, bao gồm: Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người lao động là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an, người làm công tác cơ yếu.
Tổng giám đốc, Giám đốc, Phó Tổng giám đốc, Phó giám đốc, Kế toán trưởng; Chủ tịch và thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Chủ tịch và thành viên Hội đồng quản trị, không bao gồm thành viên độc lập Hội đồng quản trị.
Trưởng Ban kiểm soát, Kiểm soát viên, thành viên Ban kiểm soát; Người đại diện phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và cơ quan đại diện chủ sở hữu theo quy định của Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện các quy định tại Nghị định 44.
Về nguyên tắc quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng và yếu tố khách quan khi xác định tiền lương, thù lao, Thông tư 003 quy định, nguyên tắc quản lý lao động, tiền lương, thù lao, tiền thưởng được thực hiện theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 44.
Trong đó, chỉ tiêu lợi nhuận để xác định tiền lương và tỉ suất lợi nhuận là lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp được thành lập và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận thì được sử dụng chỉ tiêu tổng doanh thu trừ tổng chi phí sau khi loại trừ tác động của các yếu tố khách quan, nếu có để thay cho chỉ tiêu lợi nhuận và tính tỉ suất lợi nhuận khi xác định tiền lương); năng suất lao động và chỉ tiêu tỉ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp, hoặc vốn góp của chủ sở hữu tại doanh nghiệp, được xác định theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.
Các yếu tố khách quan quy định tại Điều 4 Nghị định số 44 tác động trực tiếp làm tăng hoặc giảm năng suất lao động, lợi nhuận, tỉ suất lợi nhuận, thì doanh nghiệp tính toán loại trừ khi xác định tiền lương và thù lao.
Trong đó, việc tính toán, loại trừ tác động của yếu tố khách quan phải được lượng hóa thành giá trị, số liệu cụ thể theo nguyên tắc: Yếu tố khách quan làm tăng năng suất lao động, lợi nhuận, tỉ suất lợi nhuận thì phải giảm trừ.
Yếu tố khách quan làm giảm năng suất lao động, lợi nhuận, tỉ suất lợi nhuận thì được cộng thêm vào năng suất lao động, lợi nhuận, tỉ suất lợi nhuận khi xác định tiền lương, thù lao.
Về quản lý lao động, thang lương, bảng lương, Thông tư 003 quy định, doanh nghiệp xây dựng kế hoạch lao động, tổ chức tuyển dụng, sử dụng lao động và thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động theo quy định tại Điều 5 Nghị định 44; xây dựng và ban hành thang lương, bảng lương, phụ cấp lương theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.
https://laodong.vn/thoi-su/thong-tu-huong-dan-thuc-hien-tien-luong-co-hieu-luc-tu-ngay-156-1503278.ldo
HƯƠNG NHA (BÁO LAO ĐỘNG)