Thời sự
Cập nhật lúc 03:22 11/07/2025 (GMT+7)
Thuế VAT giảm, sức mua tăng - kỳ vọng lan tỏa vào đời sống thường nhật

Tiếp tục giảm thuế VAT được kỳ vọng tạo “cú hích” lan tỏa đến mọi mặt đời sống - từ giỏ hàng người tiêu dùng đến dòng tiền của doanh nghiệp.

Thuế VAT giảm, sức mua tăng - kỳ vọng lan tỏa vào đời sống thường nhật
Tiếp tục giảm thuế VAT 2% trong năm 2025 là bước đi kịp thời tạo lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế. Ảnh: Tuyết Lan

Đòn bẩy tăng sức mua của người dân

Theo số liệu từ Cục Thống kê (Bộ Tài chính), 6 tháng đầu năm 2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 3.416,8 nghìn tỉ đồng. Kết quả này tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2024 tăng 8,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,2% (cùng kỳ năm 2024 tăng 6,0%).

Việc giảm thuế VAT từ tháng 7 được kỳ vọng sẽ “bù đắp” phần nào áp lực giá, giúp người dân duy trì sức mua trong bối cảnh chi phí sinh hoạt leo thang. Điều này đặc biệt quan trọng khi tiêu dùng hộ gia đình vẫn là động lực chính của tăng trưởng GDP - đóng góp hơn 65% tổng cầu.

Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi

Không chỉ tác động trực tiếp đến người tiêu dùng, chính sách giảm thuế VAT còn hỗ trợ doanh nghiệp về mặt gián tiếp. Khi giá bán ra giảm do thuế thấp, cầu thị trường sẽ tăng - giúp doanh nghiệp cải thiện doanh thu, tăng vòng quay hàng hóa và thu hồi vốn nhanh hơn.

Trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng (như giá nguyên liệu nhập khẩu, chi phí logistics, lãi suất tín dụng), khả năng giảm giá bán là rất hạn chế. Việc được hỗ trợ giảm VAT giúp doanh nghiệp có thêm dư địa để giữ chân khách hàng mà không làm tổn hại đến biên lợi nhuận quá mức. Báo cáo kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bán lẻ, dịch vụ ăn uống và du lịch đều ghi nhận kỳ vọng doanh số cải thiện từ quý III nhờ chính sách VAT.

Tác động lan tỏa còn thể hiện ở việc thúc đẩy sản xuất - khi cầu tiêu dùng trong nước tăng trở lại. Điều này góp phần giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, giữ chân lao động và kích thích đầu tư quay lại. Đặc biệt trong các ngành công nghiệp nhẹ, thực phẩm - đồ uống, dịch vụ và du lịch.

Công cụ điều tiết chính sách vĩ mô

Giảm VAT không chỉ là biện pháp hỗ trợ tức thời mà còn là công cụ tài khóa linh hoạt để ứng phó với diễn biến kinh tế vĩ mô. Trong nửa đầu năm 2025, nền kinh tế đối mặt nhiều sức ép: xuất khẩu tăng chậm, đầu tư tư nhân chưa hồi phục mạnh, sản xuất công nghiệp tăng thấp (chỉ 4,6% trong 6 tháng), trong khi giá cả hàng hóa thế giới biến động mạnh.

Trước bối cảnh đó, giảm VAT là một trong những giải pháp hợp lý giúp kích cầu có trọng tâm mà không tạo gánh nặng lớn đến ngân sách. Về mặt kỹ thuật, giảm VAT còn giúp kiểm soát lạm phát kỳ vọng - bằng cách làm chậm lại đà tăng giá do chi phí đẩy. Khi giá hàng hóa đầu ra không tăng nhanh, doanh nghiệp ít có xu hướng chuyển gánh nặng chi phí lên giá bán, góp phần giữ CPI trong biên độ mục tiêu 4-4,5% cho cả năm.

Hướng đến một hệ thống thuế công bằng và hỗ trợ tăng trưởng

Tiếp tục giảm VAT 2% trong năm 2025 là bước đi kịp thời, nhưng cũng gợi mở những câu hỏi về cải cách thuế trong trung - dài hạn. Trong cấu trúc ngân sách hiện nay, thuế VAT chiếm tỉ trọng rất lớn trong tổng thu nội địa - khoảng 30-35%.

Tuy nhiên, VAT cũng là loại thuế có tính “hồi quy”, nghĩa là tỉ lệ chi trả thuế trên thu nhập của người nghèo cao hơn người giàu, do không phân biệt mức sống. Do vậy, về dài hạn, chính sách thuế cần hướng đến mục tiêu kép: vừa đảm bảo nguồn thu ổn định, vừa công bằng và hỗ trợ tăng trưởng.

Một số giải pháp có thể tính đến như mở rộng diện áp dụng VAT với mức thuế thấp (5-8%) đối với các hàng hóa thiết yếu (lương thực, thuốc men, giáo dục, dịch vụ công cộng). Xem xét giảm dần thuế VAT phổ thông, kết hợp cải cách các sắc thuế trực thu (thuế thu nhập cá nhân, thuế tài sản) để đảm bảo công bằng hơn.

Giảm thuế VAT là chính sách đúng lúc, đúng chỗ, thể hiện sự linh hoạt và quyết đoán của Quốc hội, Chính phủ trong điều hành kinh tế vĩ mô. Trong ngắn hạn, nó giúp người dân bớt áp lực giá cả, doanh nghiệp có thêm “lực đẩy” phục hồi. Trong trung hạn, nó góp phần giữ ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì niềm tin thị trường.

Điều quan trọng lúc này là biến chính sách đúng thành hiệu quả thực tế - thông qua sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền, doanh nghiệp và xã hội. Khi đó, những đồng tiền tiết kiệm từ chính sách thuế không chỉ giúp người dân mua thêm vài cân gạo, vài chiếc áo mới, mà còn góp phần tạo nên một lực đẩy cho nền kinh tế, lan tỏa từ giỏ hàng thường nhật đến sự phục hồi chung của đất nước.

https://laodong.vn/kinh-doanh/thue-vat-giam-suc-mua-tang-ky-vong-lan-toa-vao-doi-song-thuong-nhat-1538467.ldo

PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế

In
Về đầu
Lượt truy cập: