Thời sự
Cập nhật lúc 03:49 19/05/2025 (GMT+7)
Tiếp sức cho người dân vùng đặc biệt khó khăn ở Krông Năng thoát nghèo bền vững

Đắk Lắk - Với sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, nhiều hộ gia đình ở huyện Krông Năng không ngừng nỗ lực để sớm thoát nghèo, xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tiếp sức cho người dân vùng đặc biệt khó khăn ở Krông Năng thoát nghèo bền vững
Cán bộ xã ở huyện Krông Năng lựa chọn cây giống giúp người dân nghèo phát triển nông nghiệp, cải thiện kinh tế. Ảnh: Bảo Trung

Tự tin thoát nghèo

Trong căn nhà cấp 4 dột nát, rộng khoảng 60m2 của bà Ami Houh, Ami Huoh, ở xã Ea Hồ đang có 6 người đang cùng sinh sống. Nằm trong diện hộ nghèo đã hơn 5 năm nay, bà và gia đình luôn trăn trở, nghĩ cách để thoát nghèo bền vững.

Bà Ami Houh tâm sự: "Mong muốn lớn nhất của tôi đó là thoát khỏi cảnh nghèo khó. Nhiều lúc thấy nhà hàng xóm đã khá lên mà gia đình mình vẫn còn thiếu thốn, tôi rất buồn".

Bà Ami Houh mong muốn sớm thoát nghèo. Ảnh: Bảo Trung
Bà Ami Houh chăn nuôi bò sinh sản với niềm tin sẽ sớm thoát nghèo bền vững. Ảnh: Bảo Trung

Trong lúc khó khăn, cuối năm 2024, gia đình bà Ami Houh được chính quyền địa phương hỗ trợ bò sinh sản. Bên cạnh đó, hiện nay, cây cà phê cũng đang sinh trưởng tốt. Dự kiến vào cuối năm 2025, bà Ami Houh có thể hiện thực hóa mong muốn thoát nghèo.

Tương tự, trường hợp của anh Mao Văn Thủ, người dân tộc Tày, ở xã DliêYa cũng đang cố gắng từng ngày để thoát khỏi diện hộ nghèo. Theo đó, anh Thủ đã vay mượn, mua cây giống cà phê về để gieo trồng.

Người dân huyện Krông Năng được hướng dẫn chăm sóc cây cà phê. Ảnh: Bảo Trung
Người dân huyện Krông Năng được hướng dẫn chăm sóc cây cà phê. Ảnh: Bảo Trung

"Cà phê là nông sản chủ lực của người dân vùng Tây Nguyên. Xã của tôi đất đai màu mỡ, dễ trồng loại cây trồng này. Mặt khác, việc giá cà phê luôn duy trì ở mức ổn định nên tôi xác định đây là ưu tiên hàng đầu để phát triển kinh tế gia đình" - anh Thủ chia sẻ.

Theo UBND huyện Krông Năng, trong năm 2024, huyện đã thực hiện giảm được 2,06% tỉ lệ hộ nghèo, đạt 103% kế hoạch đề ra theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025.

Trong đó, tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm 3,82%. Đến năm 2025, huyện đặt mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo từ 1,5 - 2% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Trong đó, tỉ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm từ 3 - 4%.

Huyện Krông Năng trong những năm qua đã giảm tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Bảo Trung
Trong những năm qua, huyện Krông Năng đã từng bước kéo giảm hiệu quả tỉ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: Bảo Trung

Tiếp tục cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng

Theo UBND huyện Krông Năng, từ đầu năm 2025 đến nay, huyện đang tập trung thực hiện các dự án nguồn sự nghiệp tại chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong đó, có 16 dự án duy tu, bảo dưỡng các công trình với tổng mức đầu tư hơn 25 tỉ đồng.

Công nhân tập trung nâng cấp một dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia ở huyện Krông Năng. Ảnh: Bảo Trung
Công nhân tập trung nâng cấp một dự án thuộc chương trình mục tiêu quốc gia ở huyện Krông Năng. Ảnh: Bảo Trung

Trong quá trình triển khai, UBND huyện Krông Năng đã thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư tổ chức thi công công trình bảo đảm chất lượng. Mục tiêu của huyện là để các công trình sau khi bàn giao đưa vào sử dụng có thể phát huy ngay hiệu quả.

Song song đó, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện cũng đang tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở và hỗ trợ nâng cao đời sống cho các đối tượng thụ hưởng.

UBND huyện Krông Năng luôn ưu tiên nguồn lực để phát triển đồng bộ hạ tầng các địa phương trong vùng. Ảnh: Bảo Trung
UBND huyện Krông Năng luôn ưu tiên nguồn lực để phát triển đồng bộ hạ tầng, tạo sự kết nối liên vùng. Ảnh: Bảo Trung

Lãnh đạo UBND huyện Krông Năng chia sẻ: "Giảm nghèo không chỉ là việc tăng thu nhập cho bà con mà còn là nâng cao chất lượng cuộc sống cho họ. Việc bà con ở huyện áp dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả như trồng cà phê, sầu riêng, chăn nuôi bò sinh sản đã giúp nhiều gia đình thoát nghèo.

Chương trình hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật canh tác và tiêu thụ sản phẩm đã tạo ra những thay đổi rõ rệt trong đời sống người dân".

Theo lãnh đạo UBND huyện Krông Năng, bên cạnh phát triển kinh tế, việc nâng cao nhận thức cộng đồng về văn hóa, giáo dục và y tế cũng đóng vai trò quan trọng trong công cuộc giảm nghèo.

Vì vậy, huyện đã chú trọng đầu tư xây dựng trường học, trạm y tế, nâng cao chất lượng giáo dục và chăm sóc sức khỏe cho người dân.

https://laodong.vn/xa-hoi/tiep-suc-cho-nguoi-dan-vung-dac-biet-kho-khan-o-krong-nang-thoat-ngheo-ben-vung-1508618.ldo

BẢO TRUNG (báo lao động)

In
Về đầu
Lượt truy cập: