Thời sự
Cập nhật lúc 03:25 21/05/2025 (GMT+7)
Tin vui với các dự án nhà ở xã hội

Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển nhà ở xã hội đang được Quốc hội thảo luận.

Tiếp tục Kỳ họp thứ 9, ngày 21.5, Quốc hội tiến hành thảo luận tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Công đoàn, Luật Thanh niên và Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội;

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết số 35/2021/QH15 ngày 13.11.2021 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.

sss
Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án Luật. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Đóng góp ý kiến tại tổ số 13, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tiếp tục nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.

Theo Chủ tịch Quốc hội, nhà ở xã hội là một lĩnh vực được người dân đặc biệt quan tâm. Chính phủ và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đang chỉ đạo rất quyết liệt để hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát trên cả nước trong tháng 10.2025.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội nhằm tháo gỡ vướng mắc, đơn giản hóa thủ tục để thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Từ năm 2021 đến nay, cả nước có 657 dự án nhà ở xã hội được triển khai. Trong đó, số lượng hoàn thành chỉ mới đạt 15,6% mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỉ đồng của Chính phủ để phát triển nhà ở xã hội cũng bị chậm.

"Chậm ở đây là do chưa có sự chỉ đạo quyết liệt, thủ tục để thực hiện một dự án kéo dài. Nếu Nghị quyết lần này được thông qua, thời gian tối đa thực hiện thủ tục chỉ 75 ngày (trước đây là 2 năm)", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao về
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá cao về các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội được nêu trong dự thảo Nghị quyết. Ảnh: Văn phòng Quốc hội

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, dự thảo Nghị quyết có 3 chính sách mới so với kết luận cần có cấp thẩm quyền và xin ý kiến cấp thẩm quyền.

Thứ nhất là xác định giá bán, giá thuê nhà ở xã hội.

Thứ hai là điều kiện nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Thứ ba là hoàn thiện, hoàn trả tiền sử dụng đất, kinh phí bồi thường hỗ trợ tái định cư hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính cho chủ đầu tư nhà ở xã hội.

"Vấn đề này tôi cũng đề nghị Chính phủ tiếp tục có giải trình. Nếu giữa Chính phủ và Thường vụ Quốc hội thấy nội dung giải trình là khả thi, đảm bảo các yêu cầu chỉ báo cáo với cấp thẩm quyền thì chúng ta sẽ thông qua", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, nếu nhận được sự đồng thuận cao thì Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội sẽ được thông qua sớm, tạo động lực mạnh mẽ để đạt mục tiêu 100.000 căn nhà ở xã hội trong năm 2025, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế.

Để người dân "an cư, lạc nghiệp, nhất là đối tượng công nhân, người lao động" - Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội đồng thời nhấn mạnh về một số nội dung quan trọng khác, như rà soát nguồn thu, nhiệm vụ chi của quỹ nhà ở quốc gia, không để trùng lắp với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước.

Xây dựng cơ chế tài chính phù hợp để đảm bảo đẩy mạnh thực hiện xã hội hóa nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội.

Về chấp thuận chủ trương đầu tư, đồng thời giao chủ đầu tư không thông qua đấu thầu, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ sự ủng hộ. Tuy nhiên, cần rà soát các mục tiêu, điều kiện để đảm bảo tính khách quan, công bằng, công khai, minh bạch khi lựa chọn nhà đầu tư.

"Tuyệt đối tránh cơ chế xin - cho, đồng thời cần cơ chế thanh tra, giám sát đảm bảo hiệu quả thực hiện chính sách phòng chống tham nhũng, lãng phí tiêu cực", Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị.

https://laodong.vn/thoi-su/tin-vui-voi-cac-du-an-nha-o-xa-hoi-1510356.ldo

Tô Thế (BÁO LAO ĐỘNG)

In
Về đầu
Lượt truy cập: