TPHCM kiến nghị trình Quốc hội phê duyệt tuyến đường lớn nhất Đông Nam Bộ
TPHCM - Vành đai 4 dài 207 km, đi qua TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu, là dự án đường bộ lớn nhất vùng Đông Nam Bộ từ trước đến nay.
Phối cảnh Vành đai 4 TPHCM khi đầu tư hoàn chỉnh. Ảnh: Ban Giao thông TPHCM
UBND TPHCM vừa có văn bản gửi Chính phủ, Bộ Tài chính và Bộ Xây dựng về hoàn thiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 4 TPHCM.
Dự án đường Vành đai 4 TPHCM có tổng chiều dài khoảng 207 km, đi qua địa bàn TPHCM (20,5 km), Bình Dương (47,95 km), Đồng Nai (46,08 km), Long An (74,5 km) và Bà Rịa - Vũng Tàu (18,23 km).
Đây là dự án đường bộ lớn nhất vùng Đông Nam Bộ từ trước đến nay, có tầm quan trọng đặc biệt trong việc kết nối giao thông và phát triển kinh tế.
Hướng tuyến Vành đai 4 TPHCM. Ảnh: Ban Giao thông TPHCM
Trong đó, đoạn qua địa phận Bình Dương dài 47,95 km sẽ được tỉnh này thực hiện theo hình thức một dự án độc lập, đã được HĐND tỉnh thông qua.
Gần 160 km còn lại sẽ được tích hợp thành một dự án tổng thể, do các địa phương phối hợp thực hiện, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Theo UBND TPHCM, dự án sẽ được triển khai theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 120.412 tỉ đồng.
Trong đó, ngân sách nhà nước sẽ tham gia khoảng 69.780 tỉ đồng, phần còn lại do nhà đầu tư huy động.
Giai đoạn 1 của dự án sẽ tiến hành giải phóng mặt bằng một lần theo quy hoạch 8 làn xe. Tuyến chính sẽ được đầu tư 4 làn xe cùng 2 làn khẩn cấp.
UBND TPHCM cho biết, sau khi tiếp thu hoàn thiện theo ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước, hiện báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án Vành đai 4 đã đáp ứng đầy đủ các điều kiện cần thiết để trình Chính phủ và Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Trong giai đoạn tiếp theo - bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi, các địa phương cam kết tiếp tục rà soát, thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo hiệu quả đầu tư.
UBND TPHCM đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cân đối ngân sách Trung ương để hỗ trợ phần vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án thành phần đoạn qua tỉnh Long An.
Phối cảnh Vành đai 4 khi khai thác giai đoạn 1. Ảnh: Ban Giao thông TPHCM
Dự án Vành đai 4 TPHCM sẽ sử dụng khoảng 1.415 ha đất, ảnh hưởng đến khoảng 5.862 hộ dân.
Trong đó, TPHCM có 1.280 hộ (chủ yếu tại huyện Củ Chi và một phần nhỏ tại huyện Nhà Bè), Đồng Nai 1.697 hộ, Long An 2.290 hộ và Bà Rịa - Vũng Tàu 595 hộ.
Chi phí sơ bộ cho công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư dự án Vành đai 4 lên đến 41.090 tỉ đồng.
Hiện HĐND TPHCM và các tỉnh có dự án đi qua như Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu đều đã thống nhất chủ trương đầu tư, đồng thời cam kết cân đối nguồn ngân sách địa phương tham gia đầu tư dự án.
Theo kế hoạch, sau khi được Quốc hội phê duyệt, dự án Vành đai 4 TPHCM sẽ khởi công năm 2026 và hoàn thành năm 2028.
Theo UBND TPHCM, khi hoàn thành, Vành đai 4 TPHCM sẽ không chỉ giúp kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ và Tây Nguyên mà còn mở ra không gian phát triển mới, khai thác hiệu quả quỹ đất, tạo động lực thúc đẩy công nghiệp, đô thị và logistics.
Tuyến đường này sẽ giúp tối ưu hóa việc lưu thông hàng hóa giữa các khu công nghiệp, khu đô thị và cảng biển, đặc biệt là kết nối đến cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Ngoài ra, tuyến Vành đai 4 còn tạo điều kiện thuận lợi cho xe từ Quốc lộ 13, Quốc lộ 22 tiếp cận các cảng phía Long An và cảng Hiệp Phước (TPHCM).
Đây cũng là tuyến kết nối quan trọng giữa Bình Dương và sân bay Long Thành, bổ sung thêm một hướng di chuyển ngoài Vành đai 3 và cao tốc TPHCM - Long Thành.
https://laodong.vn/xa-hoi/tphcm-kien-nghi-trinh-quoc-hoi-phe-duyet-tuyen-duong-lon-nhat-dong-nam-bo-1504262.ldo
MINH QUÂN (BÁO LAO ĐỘNG)