Bình Thuận - Những ngày này, với lòng thành kính và biết ơn, nhiều đoàn tìm về Trường Dục Thanh - nơi Bác Hồ từng dạy học.
Trong không khí cả nước kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2025), Trường Dục Thanh - một di tích lịch sử tại thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận trở thành điểm đến thu hút nhiều đoàn đến tham quan.
Đây cũng chính là nơi từ tháng 9.1910 đến tháng 2.1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành dừng chân dạy học trước khi ra đi tìm đường cứu nước.
Các đoàn đến tham quan Trường Dục Thanh - nơi Bác Hồ từng dừng chân dạy học. Ảnh: Duy Tuấn
Theo ghi nhận, những ngày này, nhiều đoàn học sinh, sinh viên, cán bộ, chiến sĩ liên tiếp đến tham quan Trường Dục Thanh. Đặc biệt những ngày cuối tuần có nhiều đoàn học sinh do nhà trường tổ chức đi tham quan.
Các đoàn xếp hàng vào thực hiện nghi thức dâng hương, viếng Bác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Bình Thuận với tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn.
Sau đó, các đoàn di chuyển qua Trường Dục Thanh để nghe thuyết minh về di tích lịch sử này.
Tượng Bác Hồ với thiếu nhi tại công viên phía trước nhà trưng bày bảo tàng. Ảnh: Duy Tuấn
Các đoàn học sinh tham quan Trường Dục Thanh. Ảnh: Duy Tuấn
Ngược dòng thời gian, Trường Dục Thanh ra đời và chính thức hoạt động từ năm 1907 theo chủ trương chung của phong trào Duy Tân do cụ Phan Châu Trinh khởi xướng với ước muốn mở mang dân trí thông qua thành lập các trường học.
Dù thời gian thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở Trường Dục Thanh không dài nhưng nơi đây đã trở thành một dấu mốc thiêng liêng, ghi lại bước đầu trong hành trình vĩ đại của Người.
Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh Bình Thuận gồm Trường Dục Thanh và Nhà trưng bày về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Duy Tuấn
Năm 1978, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Bình Thuận tiến hành trùng tu Khu di tích Dục Thanh và đến năm 1983 tiếp tục khởi công xây dựng công trình Nhà trưng bày về tiểu sử và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh bên dòng sông Cà Ty, gồm nhà trưng bày và tượng đài về Người.
Kể từ đó, nơi đây như một không gian lịch sử sống động giữa lòng phố biển và mỗi ngày đón nhiều đoàn khách từ mọi miền đất nước về thăm lại ngôi trường nơi Bác Hồ từng dạy học.
Lối vào Trường Dục Thanh từ cổng chính. Ảnh: Duy Tuấn
Em Lê Ngọc Quỳnh (học sinh lớp 11 tại tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ khi đến tham quan Trường Dục Thanh, được đến nơi đây vào dịp sinh nhật Bác là một điều rất xúc động. Em không chỉ học sử qua sách vở, mà còn tận mắt tham quan nơi Bác từng sống, từng dạy học.
Các em học sinh ngồi tại bàn ghế dưới mái Trường Dục Thanh. Ảnh: Duy Tuấn
Chị Nguyễn Thị Thu Nga - Trưởng phòng Nghiệp vụ thuyết minh, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận - bày tỏ niềm tự hào khi được cống hiến, làm việc tại đơn vị hơn 25 năm nay.
Hàng ngày, chị Nga được đón, thuyết minh cho nhiều đoàn khách và càng biết ơn về sự hy sinh, vai trò vĩ đại của Bác trên con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.
Nhiều xe ô tô chở các đoàn khách đến tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh Bình Thuận. Ảnh: Duy Tuấn
Từ đầu năm 2025 đến nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh Bình Thuận đã đón hơn 815 đoàn khách với hơn 53.000 lượt người đến tham quan, báo công, viếng Bác. Trong đó, có hàng trăm lượt khách quốc tế.
Các em học sinh nghe thuyết minh về Trường Dục Thanh. Ảnh: Duy Tuấn
Khách quốc tế đến tham quan Trường Dục Thanh. Ảnh: Duy Tuấn
Kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nay, Trường Dục Thanh không chỉ là điểm hẹn về nguồn thiêng liêng mà còn giáo dục truyền thống cách mạng, hun đúc lòng yêu nước và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ. Các hoạt động tại di tích ngày càng được đổi mới, kết hợp hài hòa giữa yếu tố truyền thống và hiện đại đã thu hút ngày càng nhiều thế hệ trẻ đến tìm hiểu lịch sử.