Thời sự
Cập nhật lúc 08:23 20/05/2025 (GMT+7)
Viện Kiểm sát nhân dân 6 tỉnh thành được thí điểm khởi kiện dân sự

Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao nêu rõ một số vụ việc tuy được xử lý hình sự nhưng phần dân sự như bồi thường thiệt hại vẫn bị bỏ ngỏ.

Viện Kiểm sát nhân dân 6 tỉnh thành được thí điểm khởi kiện dân sự
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày tờ trình. Ảnh: Phạm Đông

Chiều 19.5, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thí điểm Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) khởi kiện vụ án dân sự để bảo vệ quyền dân sự của các chủ thể là nhóm dễ bị tổn thương hoặc bảo vệ lợi ích công.

Trình bày tờ trình, Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế này là cấp thiết, xuất phát từ yêu cầu chính trị, pháp lý và thực tiễn.

Kết luận số 120 của Bộ Chính trị cũng giao nhiệm vụ thí điểm cho VKSND khởi kiện dân sự tại một số địa phương, gồm Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh và Đắk Lắk, trong thời gian 3 năm, bắt đầu từ quý II năm 2025.

Về mặt pháp lý, Viện trưởng VKSND Tối cao cho hay, hiện Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định về quyền khởi kiện của cơ quan, tổ chức nhằm bảo vệ lợi ích công hoặc quyền của người khác.

Tuy nhiên, luật chưa có cơ chế để VKSND đứng ra khởi kiện khi các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không thực hiện quyền này.

Từ thực tiễn kiểm sát, VKSND Tối cao nhận thấy có một số vụ việc tuy được xử lý hình sự, nhưng phần dân sự như bồi thường thiệt hại vẫn bị bỏ ngỏ.

“Một số vụ việc dù có dấu hiệu vi phạm gây thiệt hại cho Nhà nước hoặc nhóm dễ bị tổn thương nhưng không có tổ chức nào đứng ra khởi kiện, yêu cầu nên đã dẫn đến gây thất thoát, lãng phí, thiệt hại cho Nhà nước, quyền và lợi ích của nhóm dễ bị tổn thương chưa được bảo vệ triệt để, hiệu quả”, ông Nguyễn Huy Tiến nêu.

Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Nga, Cuba, Mỹ đều trao cho cơ quan kiểm sát hoặc công tố quyền bảo vệ lợi ích công cộng thông qua khởi kiện dân sự.

VKSND được xem là đại diện quyền lực công, có trách nhiệm không chỉ truy tố tội phạm mà còn bảo vệ các nhóm yếu thế và lợi ích công trong xã hội.

Từ những lý do trên, tờ trình đề nghị Quốc hội xây dựng Nghị quyết để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn.

Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, việc thí điểm dự kiến áp dụng tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kéo dài trong 3 năm từ ngày 1.1.2026.

Về vai trò của VKSND, cơ quan thẩm tra cho hay, dự thảo chưa làm rõ VKSND là nguyên đơn hay là cơ quan tiến hành tố tụng, dẫn đến khả năng chồng chéo, lúng túng khi áp dụng. Bên cạnh đó, việc giao thẩm quyền khởi kiện cho cả VKSND cấp tỉnh và cấp tối cao theo cùng tiêu chí là chưa hợp lý.

Về việc tránh “dân sự hóa” các quan hệ hình sự, hành chính, cơ quan thẩm tra đề nghị cần phân loại rõ hành vi trước khi khởi kiện và bổ sung nguyên tắc để ngăn chặn tình trạng này. Đồng thời, phải quy định rành mạch về căn cứ, điều kiện khởi kiện để tránh lạm quyền.

Về thẩm quyền điều tra, thu thập chứng cứ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cho hay đa số ý kiến cho rằng VKSND chỉ nên đóng vai trò là nguyên đơn đặc thù và tuân thủ nghiêm trình tự tố tụng theo Bộ luật Tố tụng dân sự.

Một số ý kiến đề xuất có thể xem xét bổ sung thẩm quyền phù hợp cho VKSND trong giai đoạn xác minh.

https://laodong.vn/thoi-su/vien-kiem-sat-nhan-dan-6-tinh-thanh-duoc-thi-diem-khoi-kien-dan-su-1509352.ldo

PHẠM ĐÔNG (báo lao động)

In
Về đầu
Lượt truy cập: